Nguy cơ nổ ra một cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu đã tạm thời bị ngăn chặn sau 2 quyết định đáng chú ý của Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 17-5.
Trước hết, ông Trump đồng ý dỡ bỏ thuế áp đặt vào nhôm, thép nhập khẩu từ Mexico và Canada. Đổi lại, 2 nước này đồng ý chấm dứt các mức thuế trả đũa nhằm vào những sản phẩm của Mỹ, trong đó có thịt heo, phô mai, sữa… Việc Mỹ, Mexico, Canada giảm bớt căng thẳng thương mại được kỳ vọng giúp thúc đẩy quốc hội 3 nước này nhanh chóng phê chuẩn hiệp định thương mại mới thay thế Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA).
Quốc hội Mỹ, Mexico và Canada hiện vẫn nói không với Hiệp định Mỹ - Mexico - Canada (USMCA) mới nói trên. Riêng tại Mỹ, các nghị sĩ của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ tuyên bố sẽ không bật đèn xanh đối với USMCA chừng nào Nhà Trắng chưa dỡ bỏ thuế kim loại đối với Mexico và Canada. Lý do đưa ra là thuế này làm tăng chi phí đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ trong lúc các biện pháp trả đũa làm tổn thương nông dân và công ty Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc xe hơi và phụ tùng xe nhập khẩu gây hại cho ngành công nghiệp xe hơi nội địaẢnh: Reuters
Cùng lúc đó, ông chủ Nhà Trắng còn hoãn đưa ra quyết định có nên đánh thuế xe hơi nhập khẩu hay không trong 6 tháng tới, giúp các nhà sản xuất xe và phụ tùng xe tạm thở phào nhẹ nhõm. Dù vậy, động thái này cũng gây ra sức ép không nhỏ lên Nhà Trắng trong việc đạt thỏa thuận thương mại với Nhật Bản, châu Âu và các nước khác trước thềm cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.
Theo Reuters, ông Trump vào đầu tuần này cáo buộc xe hơi và phụ tùng xe nhập khẩu gây hại cho ngành công nghiệp xe hơi nội địa và đe dọa đến an ninh quốc gia, đồng thời cho biết các nước có 180 ngày để giải quyết vấn đề thông qua các thỏa thuận thương mại với Mỹ. Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận, ông Trump cho biết sẽ quyết định có cần thêm hành động nào hay không - một bước đi có thể bao gồm việc áp thuế 25% lên xe hơi nhập khẩu.
Các hãng xe và tổ chức công nghiệp ở Mỹ cho rằng ông Trump nên từ bỏ bất kỳ kế hoạch đánh thuế nào vì mối đe dọa treo lơ lửng này có thể gây thêm bất an cho nền kinh tế. Trong khi đó, một số chuyên gia chỉ trích việc gắn liền chuyện xe hơi với an ninh quốc gia, nhất là khi phần lớn xe hơi nhập khẩu vào Mỹ đến từ một số đồng minh thân cận như Mexico, Nhật Bản, Canada, Đức, Hàn Quốc…
Trong khi đó, mục tiêu đạt thỏa thuận thương mại với cả châu Âu và Nhật Bản trong vòng 6 tháng tới không phải là chuyện dễ với Nhà Trắng, nhất là khi bất đồng không chỉ xoay quanh xe hơi. Chính quyền ông Trump đang muốn châu Âu mua nhiều nông sản Mỹ hơn, trong lúc Liên minh châu Âu nhấn mạnh nông nghiệp không nằm trong nội dung đàm phán. Trong khi đó, Mỹ cũng muốn nông dân mình tiếp cận nhiều hơn thị trường Nhật Bản nhưng quá trình đàm phán về một thỏa thuận thương mại có nội dung như thế vẫn giậm chân tại chỗ.
Dù vậy, theo tờ The New York Times, 2 quyết định nói trên trước mắt cho phép ông Trump có thêm thời gian cho nỗ lực thúc đẩy Trung Quốc đồng ý về một thỏa thuận thương mại theo ý của Mỹ. Trong động thái gây sức ép lên Bắc Kinh, Mỹ và Canada cho biết thỏa thuận của họ sẽ có hiệu lực từ ngày 19-5 và gồm thêm những nội dung kiểm soát mới nhằm ngăn chặn việc nhôm, thép bán phá giá từ các nước khác, trong đó có Trung Quốc, đi vào thị trường Mỹ thông qua Canada.
Trước đó, vào tháng 3-2018, tổng thống Mỹ đã áp mức thuế 25% với thép và 10% với nhôm nhập khẩu, lấy lý do bảo vệ an ninh quốc gia.
Bình luận (0)