Tại nhiều quốc gia, tình trạng gián đoạn giáo dục không chỉ tước đi cơ hội học kỹ năng cơ bản của hàng triệu trẻ em mà còn gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tâm thần của học sinh, khiến các em có nguy cơ bị lạm dụng cao hơn.
Chưa hết, tình trạng này còn khiến nhiều học sinh mất đi cơ hội tiếp cận "nguồn dinh dưỡng" ổn định từ bữa ăn ở trường.
Willa Stief, 6 tuổi, trong một tiết học trực tuyến ở TP Hamilton, tỉnh Ontario - Canada hôm 7-1. Ảnh: REUTERS
Khẳng định đây là mức độ thiệt hại "gần như không thể khắc phục", Trưởng bộ phận giáo dục của UNICEF Robert Jenkins nhấn mạnh chỉ mở lại trường học thôi là chưa đủ bởi các em cần sự hỗ trợ tích cực để khôi phục nền tảng giáo dục đã bị mất, tái thiết sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.
Theo báo cáo của UNICEF, tại các nước thu nhập thấp và trung bình, gián đoạn học tập từ việc đóng cửa trường học khiến 70% trẻ 10 tuổi không thể đọc hoặc hiểu một văn bản đơn giản, tăng so với mức 53% trước đại dịch.
Chẳng hạn như ở Ethiopia, học sinh tiểu học chỉ tiếp thu được 30%-40% lượng kiến thức toán mà các em sẽ học được trong một năm học bình thường.
Các nước giàu cũng không ngoại lệ. Tại Mỹ, tình trạng thiệt thòi về học tập đã được ghi nhận ở nhiều bang, trong đó có Texas, California, Colorado, Tennessee, Bắc Carolina, Ohio, Virginia và Maryland. Riêng tại Texas, 2/3 học sinh lớp 3 có điểm toán dưới trung bình trong năm 2021, tăng so với tỉ lệ 50% hồi năm 2019.
Học sinh bỏ học là vấn đề nghiêm trọng khác. Ở Nam Phi, khoảng 400.000-500.000 học sinh được xem là đã bỏ học hoàn toàn trong giai đoạn từ tháng 3-2020 đến tháng 7-2021.
Bình luận (0)