Mặc dù thu được nhiều kiến thức từ những dịch bệnh nêu trên, thế giới nhìn chung vẫn rơi vào thế bị động khi Covid-19 bùng phát. Tốc độ lây lan của virus cho thấy độ nguy hiểm của một thế giới "siêu toàn cầu hóa" trong đại dịch.
Giới chức Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo vào năm ngoái rằng dù "rất nghiêm trọng" nhưng Covid-19 chưa chắc đã là đại dịch lớn thực sự.
Cuộc sống hiện đại tiềm ẩn nhiều rủi ro lây lan dịch bệnh. Nhiều năm trước, dịch bệnh có thể khởi phát ở một khu vực nào đó và kết thúc khi chưa kịp lây lan sang những nơi khác.
Dịch bệnh lây nhiễm nhanh hơn trong một thế giới siêu toàn cầu hóa. Ảnh: AP
Tuy nhiên, trong một thế giới siêu toàn cầu hóa với hoạt động giao thương và di chuyển quốc tế nhộn nhịp, dịch bệnh có thể lây từ người này sang người khác rất nhanh, chuyên gia Victoria Brookes của Trường ĐH Charles Sturt (Úc), cảnh báo.
"Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự xuất hiện của các dịch bệnh mới là sự tương tác gia tăng của con người và động vật. Biến đổi khí hậu cũng là một nguyên nhân" – chuyên gia Hassan Vally của Trường ĐH La Trobe (Úc) cho biết.
Theo ABC News, giới nghiên cứu ước tính hơn 60% bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện là bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người. Đó là lý do họ đặc biệt chú ý đến hoạt động tương tác giữa con người và động vật hoang dã.
Giới chuyên gia đã xác định được hơn 250 loại virus gây bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người. Với những virus chưa xác định được, họ khẳng định chúng có thể gây ra mối đe dọa tương tự hoặc thậm chí là nguy hiểm hơn so với nhóm virus trên.
Theo giới chuyên gia, động vật hoang dã tiếp xúc ngày càng gần con người vì môi trường sống của chúng bị tàn phá. Ảnh: Reuters
WHO gọi mối đe dọa chưa xác định được là bệnh X và đưa chúng vào nhóm ưu tiên nghiên cứu hàng đầu, bên cạnh Ebola và SARS.
Chúng ta không biết bệnh X là gì và nó nguy hiểm như thế giới. Các nhà khoa học nhấn mạnh nếu nhân loại không có kế hoạch theo dõi và chuẩn bị phù hợp, bệnh X chắc chắn sẽ khởi phát.
Những nghiên cứu gần đây cho thấy bệnh truyền nhiễm đang xuất hiện nhanh hơn nhiều so với trước đây. Một nghiên cứu được công bố vào năm 2005 khẳng định chúng xuất hiện sau mỗi 8 tháng.
TS Vally khẳng định nhân loại chắc chắn sẽ phải đối mặt với những dịch bệnh khác trong tương lai nhưng không ai biết chính xác mức độ nghiêm trọng của chúng, bởi điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như khả năng lây nhiễm và mức độ nguy hiểm của virus.
Để đối phó với những dịch bệnh tiềm tàng trong tương lai, theo TS Vally, các nước cần có hệ thống sẵn sàng ứng phó và cần hợp tác cùng nhau trên phạm vi toàn cầu để kiểm soát rủi ro.
Những nghiên cứu gần đây cho thấy bệnh truyền nhiễm đang xuất hiện thường xuyên hơn. Ảnh: Reuters
Bình luận (0)