Tại Hồng Kông, nền tảng giáo dục tốt được xem là yếu tố quyết định tương lai của một đứa trẻ. Do đó, các bậc phụ huynh không còn cách nào khác ngoài việc thúc ép con mình học mọi thứ có thể.
Kỳ vọng cao, áp lực lớn
Tuy nhiên, việc khuyến khích học tập và ép bọn trẻ làm điều mà chúng không thích là 2 chuyện khác nhau. Một giáo viên dạy nhạc tại Hồng Kông thừa nhận hầu hết học sinh của cô học nhạc không phải vì đam mê mà để có thể vào những ngôi trường nổi tiếng. Tại Hồng Kông, môi trường học tốt vẫn được xem là yếu tố quyết định sự nghiệp tương lai. Nếu tốt nghiệp từ những ngôi trường ít tiếng tăm, sinh viên khó có thể kiếm được việc làm tốt.
Sinh viên tên Eden Yeung này từng có ý định tự tử trước khi tìm kiếm sự giúp đỡ từ bên ngoài Ảnh: Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng
Do đó, mỗi khi thành tích học tập, thi cử không tương xứng với số tiền “đầu tư”, các bậc phụ huynh thường cho con cái tham gia cuộc kiểm tra đánh giá khả năng phát triển tại các trung tâm do chính quyền đặc khu lập ra. Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, tỉ lệ trẻ em tham gia cuộc kiểm tra loại này đã tăng gần 20% trong 5 năm qua (từ 8.476 trường hợp năm 2011 lên 9.872 trường hợp năm 2015).
Nhà chức trách đang cho mở thêm các cơ sở để đáp ứng nhu cầu đang tăng nói trên. Tuy nhiên, các bác sĩ và nhà tâm lý học chỉ ra rằng không ít bậc phu huynh đang lo lắng thái quá bởi không có bằng chứng cho thấy trẻ em địa phương đang gặp nhiều vấn đề về phát triển. Điều này thể hiện qua thực tế rằng kết quả các cuộc kiểm tra thường cho thấy không có điều gì bất ổn.
Mệt mỏi và không hạnh phúc
Sức ép lớn về thành tích học tập đang dẫn đến không ít câu chuyện đau lòng ở Hồng Kông thời gian qua.Thống kê mới đây cho thấy ít nhất 22 trường hợp học sinh, sinh viên (tuổi từ 11-22) tự tử được ghi nhận kể từ đầu năm học 2015-2016 đến giờ, bằng kỷ lục buồn thiết lập trong các năm học 2004-2005 và 2012-2013.
Giới chuyên gia cho rằng các bậc phụ huynh đã vô tình gây sức ép lên chuyện học hành của con cái do qua lo lắng cho tương lai của chúng. Một học sinh tự tử vào tháng 1 đã để lại thư tuyệt mệnh, trong đó nói em sống không hạnh phúc nên muốn tìm đến thế giới khác. Đến đầu tháng 3, một em khác đã nói với mẹ “con cảm thấy mệt mỏi, không muốn đến trường và sống thêm phút giây nào nữa” trước khi quyên sinh.
Nhằm đảo ngược xu hướng tự tử đáng báo động nói trên, ông Eddie Ng Hak-kim, người đứng đầu cơ quan giáo dục Hồng Kông, gần đây công bố một loạt biện pháp, như tăng cường chuyên gia tư vấn tại trường học với hy vọng cải thiện sức khỏe tâm thần của học sinh.
Ngoài ra, các nhà tâm lý sẽ được cử đến hơn 1.000 trường để hướng dẫn giáo viên và ban giám hiệu cách thức phát hiện những học sinh có ý định tự tử để kịp thời giúp đỡ. Một số tổ chức đang chuyển sang sử dụng ứng dụng nhắn tin WhatsApp hoặc lập diễn đàn để giúp giới trẻ biết nơi cần đến để tìm sự giúp đỡ nếu rơi vào nghịch cảnh.
Bình luận (0)