Trung tâm Thống kê Y tế quốc gia Mỹ hồi tháng trước công bố một công trình nghiên cứu lớn về vấn đề tự tử trên khắp nước Mỹ. Kết quả gây choáng váng: Tỉ lệ các vụ tự tử theo độ tuổi ở Mỹ tăng 24% trong giai đoạn từ năm 1999 đến 2014.
Số người tự tử gia tăng ở mọi độ tuổi (chỉ trừ lứa tuổi ngoài 75) và mọi chủng tộc và giới tính (trừ đàn ông da đen). Vào năm 2014, tỉ lệ tự tử trên toàn nước Mỹ tăng lên mức 13/100.000 người. Trong khi đó, tỉ lệ bị giết hại thấp hơn nhiều, chỉ là 5,1/100.000 người trong năm 2013.
Tạp chí Foreign Policy (Mỹ) chỉ ra tỉ lệ tự tử ở Mỹ nằm ngoài xu hướng đi xuống của nhiều tỉ lệ khác, từ tội ác bạo lực đến số ca tử vong do bệnh tật, tai nạn giao thông… Theo nghiên cứu, có thể nhận thấy vấn nạn này đang tập trung vào nhóm dân số bị xã hội Mỹ đánh giá thấp nhất, chẳng hạn thổ dân Mỹ, với tỉ lệ nam giới tự tử tăng lên mức 38% và phụ nữ 89%.
Vốn chịu nhiều thiệt thòi về chất lượng sống, sống nghèo khổ và có nguy cơ bị bạo hành cao, họ lại sống co cụm ở nông thôn nên dễ bị các cơ quan truyền thông quốc gia - vốn tập trung ở các khu đô thị - lãng quên.
Tuy nhiên, không phải vì thế mà người Mỹ da trắng, nhóm cư dân lâu nay được hưởng nhiều ưu thế đáng kể tại Mỹ, dễ sống hơn. Đặc biệt, người lao động da trắng không có bằng đại học phải chịu đựng chất lượng sống đi xuống đáng kể trong khi nạn thất nghiệp và nghiện hút gia tăng, từ đó đẩy nhanh tỉ lệ tự tử. Vì sao người Mỹ da trắng dễ có khuynh hướng tự tử hơn nhiều so với người Mỹ da màu và gốc Á - những nhóm dân có tỉ lệ tự tử chỉ bằng một nửa người Mỹ da trắng? Đó vẫn còn là một điều bí ẩn nhưng Forgein Policy đặt ra giả thuyết: Bởi được ưu ái nên người da trắng khó vượt qua khó khăn hơn.
Ngoài ra, theo báo The New York Times (Mỹ), đàn ông không kết hôn có tỉ lệ tự tử cao hơn đáng kể. Tự tử còn có yếu tố địa lý. Nhà xã hội học Matt Wray ở Trường ĐH Temple đã sử dụng thuật ngữ “vành đai tự tử” để miêu tả các bang miền Tây nước Mỹ có tỉ lệ tự tử cao bất thường, gồm Arizona, Colorado, Idaho, Montana, Nevada, New Mexico, Oregon, Utah và Wyoming. Thêm vào đó, hầu hết các vụ tử vong do súng ở Mỹ đều xuất phát từ tự tử.
Tạp chí Foreign Policy cay đắng nhấn mạnh: Chúng ta e sợ những kẻ giết người trong bóng tối nhưng thực ra nguy cơ lớn hơn nhiều lại đến từ chính bản thân chúng ta. Để giải quyết cuộc khủng hoảng này, giới chuyên gia cho rằng cần giải cứu người dân khỏi đói nghèo và tuyệt vọng bằng những chương trình xã hội, giáo dục và nâng cao nhận thức cũng như chăm sóc sức khỏe tâm thần hiệu quả.
Bình luận (0)