Tại Nghị viện châu Âu hôm 9-9, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đã công bố kế hoạch khẩn cấp để phân bổ 160.000 người tị nạn tại 28 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), đồng thời hứa hẹn một cơ chế tị nạn thường trực nhằm đương đầu với các cuộc khủng hoảng trong tương lai.
Khẳng định việc giải quyết cuộc khủng hoảng di dân hiện nay là vấn đề nhân đạo, ông Juncker hối thúc người dân châu Âu tiếp đón người tị nạn và không hoảng sợ bởi châu lục này đủ giàu có để đối phó với thách thức không nghiêm trọng như những gì mà các nước láng giềng của Syria - Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan, Lebanon - đang đối mặt. Theo Reuters, ông Juncker nhấn mạnh châu Âu không chỉ phải bảo vệ người tị nạn mà còn cần cải thiện khả năng bảo vệ biên giới và đẩy mạnh trục xuất người di cư trái phép.
Người di cư leo qua hàng rào, rời khỏi điểm tập kết ở làng Roszke - Hungary
hôm 9-9 Ảnh: REUTERS
Chủ tịch EC cũng kêu gọi củng cố hệ thống tị nạn chung của EU và xem xét lại quy chế Dublin - theo đó, người tị nạn chỉ có thể xin tị nạn ở quốc gia EU đầu tiên họ đặt chân đến. Ông Juncker lặp lại đề xuất xem xét các quy định để công nhân nước ngoài có thể chuyển đến EU khi cựu lục địa cần thu hút thêm lực lượng lao động mới.
Ông đề xuất số lượng người tị nạn được phân bổ cho một quốc gia phụ thuộc vào GDP, dân số, tỉ lệ thất nghiệp và đơn xin tị nạn đã giải quyết, đồng thời phạt tiền nước nào từ chối. Theo đài Sky News, Thủ tướng Đức Angela Merkel cảnh báo về “những hậu quả” nếu các nước thành viên EU nói không với hạn ngạch người tị nạn.
Các đề xuất trên có thể vấp phải sự phản đối từ một số nước khi được đem ra thảo luận tại hội nghị các bộ trưởng nội vụ EU ở thủ đô Brussels - Bỉ vào ngày 14-9. Hungary, Cộng hòa Czech, Slovakia, Ba Lan và Romania lâu nay vẫn phản đối ý tưởng hạn ngạch người tị nạn.
Tuy nhiên, Thủ tướng Ba Lan Ewa Kopacz hôm 8-9 tuyên bố sẽ chấp nhận nhiều hơn con số 2.000 người di cư mà nước này đề xuất ban đầu. Theo kế hoạch của ông Juncker, Ba Lan sẽ được yêu cầu tiếp nhận gần 12.000 người, Đức hơn 31.000, Pháp 24.000, Tây Ban Nha khoảng 15.000…
Bên ngoài châu Âu, Thủ tướng Úc Tony Abbott hôm 9-9 cam kết tiếp nhận thêm 12.000 người di cư từ Syria và Iraq, chi khoảng 31 triệu USD cho các tổ chức hỗ trợ người tị nạn và tham gia chiến dịch không kích nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria do Mỹ dẫn đầu.
Trong khi đó, theo kênh Fox News, chính quyền Tổng thống Barack Obama đang tích cực xem xét các phương án hỗ trợ châu Âu, gồm cả khả năng cho một số người tái định cư. Thư ký báo chí Nhà Trắng John Ernest tuyên bố Mỹ quan ngại về tình hình người Syria chạy trốn cuộc xung đột trong nước và xem xét trợ giúp các nước tiếp nhận người tị nạn.
Giám đốc Viện Nghiên cứu Á Âu Andrea Gianotti, cố vấn Thứ trưởng Tư pháp Ý, tuyên bố để giải quyết vấn đề người tị nạn, châu Âu cần giải quyết rốt ráo tình hình tại các nước mà người di cư trốn chạy, với sự giúp sức của Nga. “Có thể tổ chức một liên minh quốc tế với sự tham gia của Nga, quốc gia có ảnh hưởng ở Cận Đông và giải quyết vấn đề ngay tại quê hương người tị nạn” - ông Gianotti trả lời phỏng vấn đài phát thanh Latvia Baltkom hôm 8-9.
Trước mắt, theo AP, EU có kế hoạch thành lập quỹ trị giá 1,8 tỉ euro để giúp các nước châu Phi quản lý biên giới tốt hơn và giảm thiểu lượng người di cư tràn tới châu Âu. Số tiền này tập trung cho các nước Bắc Phi và khu vực Sừng Phi châu.
Bình luận (0)