Theo đài RT, cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực khí đốt ở châu Âu đã leo thang vào đầu mùa thu năm nay sau khi giá khí đốt giao ngay tăng vọt bởi lo ngại về khả năng lưu trữ thấp, gần như chạm ngưỡng 2.000 USD/1.000 m3 hồi đầu tháng 10. Tính đến giữa tháng 10, các cơ sở lưu trữ khí đốt dưới lòng đất của châu Âu chỉ lấp đầy 71%.
Một số quốc gia châu Âu đổ lỗi cho Nga gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại bằng việc không cung cấp thêm các chuyến vận chuyển khí đốt. Đồng thời, đường ống Nord Stream 2, có khả năng giảm bớt tình trạng thiếu hụt ở châu Âu thông qua hoạt động cung cấp thêm khí đốt từ Nga, đang bị trì hoãn do diễn biến chính trị ở Brussels.
Tuy nhiên, các quan chức Nga chỉ ra một vấn đề khác trên thị trường năng lượng châu Âu. Họ đã nhiều lần nhấn mạnh sự ổn định của các hợp đồng dài hạn trong lĩnh vực năng lượng (trái ngược với sự biến động của doanh số giao ngay) khiến châu Âu rơi vào cuộc khủng hoảng năng lượng với giá khí đốt phá kỷ lục hồi đầu tháng 10.
Trên công trình xây dựng đường ống Nord Stream 2 ở thành phố Kingisepp, Nga, cách đây 2 năm. Ảnh: REUTERS
Bà Elena Burmistrova, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn năng lượng quốc doanh Gazprom (Nga), dự đoán kho dự trữ khí đốt của các nước châu Âu chắc chắn sẽ không được lấp đầy vào mùa đông năm nay.
Bà Elena cho biết tính đến giữa tháng 9, lượng phun khí tồn đọng ở châu Âu đã vượt quá 22 tỉ m3. Các chuyên gia châu Âu và châu Á cho rằng không thể bù đắp được khoảng cách này, dẫn đến tình trạng kích cầu và ảnh hưởng đến giá khí đốt.
Moscow gần đây đề nghị tăng cường cung cấp khí đốt cho châu Âu thông qua các hợp đồng hiện có. Bloomberg dẫn lời 2 quan chức Nga cho biết nước này hy vọng giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu sẽ giảm 60% xuống còn 300-400 USD/1.000 m3.
Điều này giúp Tập đoàn Gazprom giữ vững vị thế tại thị trường châu Âu ngay cả khi các quốc gia từ Anh đến Ba Lan chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng sạch hơn. Tuy nhiên, cho đến nay, các đối tác châu Âu vẫn chưa thấy động tĩnh gì.
Đại sứ Đức tại Nga Geza Andreas von Geir ngày 25-10 tuyên bố giá khí đốt tăng là vấn đề chung của châu Âu nên cần chung tay giải quyết.
"Điều này không chỉ áp dụng cho Đức. Đó là vấn đề ở cấp độ châu Âu. Vì vậy, nó sẽ được giải quyết trên quy mô rộng hơn. Theo những gì chúng tôi biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cam kết sẵn sàng đóng góp vào giải pháp cho cuộc khủng hoảng giá khí đốt. Do đó, tất cả mọi người sẽ làm việc này cùng nhau" - ông Geza nói với các phóng viên.
Bình luận (0)