Theo họ, chính sách này của Bắc Kinh có thể cản trở nỗ lực đưa hàng tỉ người ở đó thoát khỏi cảnh nghèo. Một báo cáo mới đây của Ủy ban Kinh tế châu Phi thuộc Liên Hiệp Quốc (UNECA) đã nêu bật nguy cơ: Mối quan hệ với Trung Quốc có thể bóp nghẹt những nỗ lực công nghiệp hóa của lục địa đen.
Những người Trung Quốc đào vàng trái phép bị bắt ở Ghana vào tháng rồi Ảnh: africanvoiceonline.co.uk
Kim ngạch thương mại của Trung Quốc với châu Phi ước tính sẽ đạt mức 200 tỉ USD trong năm nay, tăng gấp 20 lần so với năm 2000. Điều đáng nói là khoảng 85% lượng hàng xuất khẩu từ châu Phi đến Trung Quốc là vật liệu thô, như dầu và khoáng sản. Theo Ngân hàng Phát triển châu Phi, điều này có nghĩa là những công ăn việc làm và lợi ích từ việc xử lý vật liệu thô lại được tạo ra ở những nơi khác. Ở chiều ngược lại, làn sóng hàng hóa Trung Quốc giá rẻ ồ ạt đổ vào thị trường châu Phi đã làm suy giảm quá trình công nghiệp hóa tại đây.
Theo thống kê của Tổ chức Brenthurst (Nam Phi), chỉ tính riêng công nghiệp dệt may, châu Phi đã mất 750.000 việc làm trong thập kỷ qua. Ngay cả tại Nam Phi, một nền kinh tế mạnh về sản xuất ở châu Phi, khoảng 40% sản phẩm giày dép và vải đến từ Trung Quốc. Thể hiện nỗi lo ngại của nhiều chính phủ khác, Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma vào năm ngoái thẳng thừng cảnh báo mối quan hệ thương mại không cân bằng giữa Trung Quốc và châu Phi là “không bền vững”.
Ông Alex Vines, người phụ trách chương trình châu Phi của Viện Nghiên cứu Chatham House, nhận định với hãng tin Reuters: “Mối quan hệ lãng mạn xung quanh việc đầu tư của Trung Quốc vào châu Phi đã không còn nữa. Tại một châu lục có dân số trẻ và tăng nhanh nhất thế giới, các chính phủ đang đối mặt với sức ép phải tạo công ăn việc làm”.
Sự thật phũ phàng
Sự bùng nổ kinh tế của Trung Quốc ít nhiều mang lại lợi ích cho châu Phi thông qua việc Bắc Kinh sẵn lòng tài trợ những dự án hạ tầng lớn mà không đưa ra điều kiện ràng buộc về dân chủ và nhân quyền như phương Tây. Dù vậy, theo UNECA, việc Trung Quốc tìm kiếm quặng, gỗ và dầu ở châu Phi đã mang lại không ít nguy cơ cho lục địa này. Chẳng hạn, việc châu lục này cung cấp tới 1/3 nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc có thể dẫn đến “căn bệnh Hà Lan” - loại nguy cơ kinh tế xảy ra khi công nghiệp chế tạo bị suy giảm do xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên quá đà.
Bình luận (0)