Các nhà nghiên cứu về phát triển kinh tế ở Mỹ hôm 29-4 đã công bố cơ sở dữ liệu về hoạt động viện trợ của Trung Quốc cho châu Phi trong bối cảnh Bắc Kinh giấu kín những con số liên quan đến hoạt động này, dẫn đến sự nghi ngờ của phương Tây về động cơ thật sự của Bắc Kinh.
Cơ sở dữ liệu trên được Trung tâm Phát triển Toàn cầu và Tổ chức AidData, đều có trụ sở ở Washington (Mỹ), công bố tại địa chỉ
http://china.aiddata.org. Theo tính toán, Trung Quốc đã cam kết chi tổng cộng 75 tỉ USD cho các dự án viện trợ và phát triển châu Phi trong giai đoạn 2000-2011. Báo The Guardian (Anh) cho biết số tiền nói trên cao hơn nhiều so với những ước tính trước đó dù vẫn còn thấp hơn mức 90 tỉ USD mà Mỹ cam kết viện trợ cho châu Phi cùng thời điểm.
Tổng thống Tanzania Jakaya Kikwete (phải) tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm nước này hôm 24-3
Ảnh: REUTERS
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết trong lúc các khoản viện trợ của phương Tây được công khai và dễ thống kê thì tiền viện trợ của Trung Quốc khó theo dõi hơn nhiều. Andreas Fuchs, một giáo sư kinh tế tại Đại học Heidelberg (Đức), nhận định: “Trung Quốc xem hoạt động viện trợ của mình như một bí mật quốc gia. Vì thế, đây (cơ sở dữ liệu) là một nỗ lực giúp phơi bày những gì đang diễn ra”.
Theo hãng tin Reuters, một số chuyên gia viện trợ, quan chức châu Phi và phương Tây cáo buộc Trung Quốc viện trợ cho lục địa đen với ý đồ khai thác tài nguyên thiên nhiên, ủng hộ những chính phủ tham nhũng, tìm kiếm đồng minh và phá hoại những chính sách môi trường được thúc đẩy bởi các nhà tài trợ phương Tây truyền thống. Bắc Kinh đã bác bỏ những cáo buộc trên nhưng việc che giấu hoạt động viện trợ của họ chỉ càng khiến sự nghi ngờ ngày gia tăng.
Chính vì sự giấu giếm nói trên, các tác giả cho biết cơ sở dữ liệu được lập ra nhằm mang lại sự minh bạch liên quan đến chuyện viện trợ của Trung Quốc ở châu Phi. Sau khi không xin được thông tin từ Bộ Thương mại Trung Quốc, nhóm nghiên cứu đã bỏ ra 18 tháng để xem xét hàng ngàn bài viết của giới truyền thông về các dự án của nước này ở châu Phi rồi tìm cách kiểm chứng chúng.
Theo thống kê ban đầu của họ, Trung Quốc có 1.673 dự án ở 50 nước châu Phi trong giai đoạn 2000-2011. Bên cạnh những dự án khai thác tài nguyên và phát triển hạ tầng lớn, như làm đường, xây đập, sân vận động…, Bắc kinh cũng dành sự quan tâm cho những lĩnh vực khác như giáo dục, y tế, xã hội dân sự ở châu Phi.
Bình luận (0)