Chiếc máy bay Airbus A320 chở theo 35 hành khách – ít hơn nhiều so với khả năng vận chuyển 180 khách – và 2 thành viên phi hành đoàn đang trên đường từ Moscow đến Damascus thì bị 2 chiếc F-16 áp giải hạ cánh xuống sân bay Esenboga ở thủ đô Ankara.
Sau khi kiểm tra, nhà chức trách Thổ đã tịch thu các thiết bị liên lạc quân sự. Nhiều giờ sau, máy bay được phép cất cánh tiếp tục hành trình.
Máy bay Syria bị ép hạ cánh xuống Ankara. Ảnh: Sky News, Reuters
Phát biểu trên truyền hình quốc gia, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu cho biết Ankara nhận được thông tin chiếc máy bay trên có thể vận chuyển “hàng hóa phi dân sự”. “Chúng tôi kiên quyết kiểm soát dòng vũ khí tuồn cho chính quyền Damascus. Càng không thể chấp nhận vũ khí vào Syria qua không phận của chúng tôi” – ông Davutoglu nhấn mạnh và cảnh báo Ankara sẽ tiếp tục kiểm tra máy bay Syria bay qua không phận Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngoại trưởng Davutoglu cũng khuyến cáo máy bay thương mại Thổ không bay qua không phận Syria với lý do có thể bị trả đũa, khiến cho nhiều máy bay nước này phải thay đổi lộ trình vào phút chót.
Nga nhanh chóng lên tiếng sau khi biết tin. Đại sứ quán Nga tại Ankara yêu cầu chính quyền Thổ giải thích việc ép hạ cánh, theo hãng tin Interfax. "Theo thông tin ban đầu, trên máy bay có 17 công dân Nga, trong đó có cả trẻ em. Các nhà ngoại giao Nga đã được phái tới sân bay Ankara để bảo vệ quyền lợi của hành khách Nga" - Interfax đưa tin.
Trong khi đó, người phát ngôn sân bay Vnukovo (Nga) cho biết mỗi tuần có một chuyến bay của hãng Syrian Airlines cất cánh từ Moscow đi Damascus.
Tướng Ozel (phải) thị sát các đơn vị quân đội Thổ Nhĩ Kỳ dọc biên giới với Syria ngày 9-10. Ảnh: AA
Theo đài BBC, Ankara lo ngại vũ khí được chuyển vào Syria sẽ bị sử dụng để tấn công ngược lại Thổ Nhĩ Kỳ. Trước đó, cùng ngày 10-10, Tổng chỉ huy quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, Tướng Necdet Ozel, tuyên bố nước này sẽ đáp trả với lực lượng hùng hậu hơn nếu Syria tiếp tục pháo kích qua biên giới. Hiện tại, quân đội Thổ đã tăng cường hiện diện dọc theo 900 km biên giới chung giữa hai nước.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại Ankara sẽ mắc sai lầm lớn nếu tham chiến với Syria. Sự ổn định xã hội, phát triển kinh tế và tiến trình dân chủ hóa của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị ảnh hưởng. Hơn thế, chiến tranh Thổ Nhĩ Kỳ - Syria sẽ khiến bất ổn lan ra khu vực, biến Trung Đông vốn kiệt quệ vì chiến tranh càng trở nên hỗn loạn.
Kết quả thăm dò dư luận gần đây nhất tại Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy 76% số người được hỏi phản đối Ankara can thiệp vào cuộc xung đột Syria và chỉ có 17% ý kiến ủng hộ.
Bạn cài Flash Player để xem được Clip này.
Nguồn: Sky News
Bình luận (0)