Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 1-2 cho biết nước này đã làm trung gian cho cuộc “chuyển giao quyền lực” ở Ukraine.
Trả lời phỏng vấn của đài CNN, ông Obama cho rằng quyết định của Tổng thống Nga Vladimir Putin xung quanh vấn đề Crimea và Ukraine không phải chiến lược định trước mà do ông chủ điện Kremlin bị mất thăng bằng sau làn sóng biểu tình ở Ukraine, cùng với việc Tổng thống Viktor Yanukovych chạy khỏi Kiev sau khi Mỹ làm trung gian cho một thỏa thuận chuyển giao quyền lực. “Việc sáp nhập Crimea là cái giá phải trả chứ không phải lợi ích đối với Nga” - ông Obama nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi về mối quan hệ với Nga, ông Obama nhận định sẽ là “không khôn ngoan” nếu để xảy ra một xung đột quân sự giữa Washington và Moscow. Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng cam kết sẽ tiếp tục gây sức ép ngoại giao lên Nga, hỗ trợ kinh tế và giúp đỡ Ukraine, đồng thời tăng cường sự hiện diện của lực lượng NATO ở các nước có chung biên giới với Nga. Bên cạnh đó, ông chủ Nhà Trắng cũng nhấn mạnh Mỹ sẽ phải dùng hành động quân sự để bảo vệ các đồng minh của mình.
Xe tăng của lực lượng ly khai ở Donetsk, miền Đông UkraineẢnh: REUTERS
Đây là lần đầu tiên ông Obama thừa nhận Washington đã nhúng tay vào tình hình Ukraine khiến tình hình kinh tế, chính trị ở nước này biến đổi sâu sắc. Trước đó, hồi tháng 12-2013, sau chuyến đi kéo dài 5 tuần tới Ukraine, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland tiết lộ với Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia (NPC) rằng từ khi Kiev độc lập năm 1991, Mỹ đã rót khoảng 5 tỉ USD hỗ trợ quốc gia này vì “những mục đích khác nhau”.
Đài RT của Nga cho rằng những mục đích đó tới nay đã hiện rõ. “Các chính phủ thường không chi ra một số tiền lớn như vậy ở một nước ngoài trừ phi họ mong muốn nhận lại được một điều gì đó xứng đáng (trong trường hợp này, có thể là sự trung thành của Kiev)” - RT nhận định.
Cùng ngày, báo The New York Times dẫn lời tướng Mỹ Philip Breedlove cho biết chính quyền Obama vốn chưa quyết định trợ giúp vũ khí sát thương cho Ukraine, có thể sẽ xem xét lại vấn đề này và chuyển vũ khí phòng thủ cho lực lượng Kiev.
Theo ông Breedlove, Tư lệnh tối cao NATO tại châu Âu, NATO hiện đã nghiêng hẳn sang hướng ủng hộ trợ giúp quân sự cho Kiev để chống lại lực lượng ly khai ở miền Đông sau khi các cuộc hòa đàm thất bại vào cuối tuần qua. Tờ báo này tiết lộ cả Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ - tướng Martin E. Dempsey - cũng tỏ ra cởi mở hơn đối với những cuộc thảo luận mới về vấn đề này.
Theo tờ báo, 8 cựu quan chức cấp cao của Mỹ, trong đó có các cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine Steven Pifer và John Herbst, dự kiến sẽ công bố một báo cáo độc lập trong ngày 2-2 (giờ địa phương), kêu gọi Washington chuyển cho Kiev số vũ khí và quân trang trị giá 3 tỉ USD, gồm cả loại máy bay không người lái dùng do thám và tên lửa chống tăng.
Trong khi đó, thủ lĩnh phe ly khai Alexander Zakharchenko hôm 2-2 công bố kế hoạch chiêu mộ 100.000 tay súng trong bối cảnh giao tranh với quân đội Ukraine bùng nổ dữ dội hơn ở miền Đông Ukraine sau khi hòa đàm thất bại.
Phát ngôn viên quân sự Kiev Volodymyr Polyovy hôm 1-2 cho biết khoảng 13 binh sĩ chính phủ và 20 dân thường bị thương trong các vụ tấn công 24 giờ qua, nâng con số thiệt mạng trong 2 ngày cuối tuần lên tới 28 người. Ít nhất 17 dân thường thiệt mạng trong các cuộc giao tranh ở các khu vực khác ở miền Đông.
Bình luận (0)