Hiện chưa rõ lệnh ngừng bắn nói trên diễn ra bao lâu và liệu các nhóm phiến quân có làm theo hay không. Trước mắt, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Elizabeth Trudeau cho biết Washington hoan nghênh bất kỳ động thái ngừng giao tranh nào để hỗ trợ việc cung cấp hàng cứu trợ nhưng nhấn mạnh lệnh ngừng bắn phải được tất cả các bên tuân thủ. Dù vậy, giới chức Liên Hiệp Quốc (LHQ) nhận định việc ngừng bắn 3 giờ/ngày không đủ để giúp người dân mắc kẹt tại Aleppo.
Theo ước tính của LHQ, có đến 2 triệu người ở thành phố này thiếu nước sạch trong vài ngày qua, làm dấy lên nguy cơ dịch bệnh bùng phát. Những bác sĩ cuối cùng còn ở lại tại khu vực do phe nổi dậy kiểm soát ở phía Đông Aleppo đã viết thư kêu gọi Tổng thống Mỹ Barack Obama giúp đỡ khoảng 250.000 dân thường tại đó. Cuộc khủng hoảng nhân đạo càng thêm nghiêm trọng sau khi Bệnh viện al-Quds cho biết ít nhất 4 người thiệt mạng và hàng chục người gặp vấn đề hô hấp khi khí độc chlorine được thả cùng bom thùng xuống một khu phố của Aleppo hôm 10-8.
Ông Stephen O’Brien, điều phối viên cứu trợ khẩn cấp của LHQ, cho biết họ cần ít nhất 2 làn đường và khoảng 48 giờ im tiếng súng để đưa đủ xe tải chở hàng cứu trợ vào Aleppo. Đây là đòi hỏi không dễ đáp ứng bởi Aleppo đang chứng kiến cuộc giao tranh khốc liệt giữa quân nổi dậy và lực lượng chính phủ được yểm trợ bởi các cuộc không kích của Nga.
Cả 2 bên đều cử quân tiếp viện đến Aleppo để thắng bằng được trận chiến được đánh giá là “mang tính quyết định nhất” trong cuộc nội chiến kéo dài hơn 5 năm qua tại Syria. Bộ Quốc phòng Nga hôm 10-8 cho biết khoảng 7.000 tay súng của nhóm phiến quân Jabhat Fatah al-Sham (tên cũ là Mặt trận Al-Nusra) tập trung tại phía Tây Nam Aleppo trong tuần qua và con số này đang gia tăng, theo Reuters.
Trước đó, phe nổi dậy vào cuối tuần rồi bất ngờ phá vòng vây của quân chính phủ tại Aleppo. Diễn biến này giáng một đòn mạnh vào hy vọng của Tổng thống Bashar al-Assad trong việc sử dụng sức mạnh trên không của Nga để sớm tái chiếm thành phố. Chuyên gia Jeff White của Viện Chính sách Cận Đông Washington (Mỹ) nhận định bước tiến trên của phe nổi dậy cho thấy điểm yếu cố hữu của lực lượng trung thành với ông Assad trong việc bảo vệ những lãnh thổ chiếm lại được.
Theo tờ The Washington Post, trận chiến ở Aleppo còn là phép thử cho sự hợp tác Nga - Mỹ trong nỗ lực chấm dứt cuộc chiến ở Syria. Giới chức 2 nước vừa họp khẩn để bàn về việc mở lại tuyến đường từ Aleppo đến Thổ Nhĩ Kỳ nhằm cung cấp viện trợ nhân đạo và cho phép người dân mắc kẹt rời đi. Tuy nhiên, Đại sứ Nga tại LHQ Vitaly Churkin cho biết một số vấn đề vẫn tồn tại, như việc Moscow đòi hỏi hàng tiếp tế cho phiến quân không được đi qua tuyến đường này, vũ khí phải nằm cách tuyến đường này bao xa, ai giám sát việc tuân thủ thỏa thuận và trông coi các chốt kiểm soát…
Trong lúc chờ cuộc đàm phán trên đạt đột phá, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang có những bước đi chưa từng có để điều phối hành động ở Syria bất chấp những mục tiêu đối nghịch tại quốc gia này - Moscow ủng hộ chế độ ông Assad còn Ankara hậu thuẫn phe nổi dậy. Một ủy ban tập hợp đại diện tình báo, quân sự, ngoại giao Nga và Thổ Nhĩ Kỳ gặp nhau lần đầu tại Moscow ngày 11-8. Ngoài ra, quân đội 2 nước còn đồng ý lập đường dây quân sự trực tiếp để ngăn nguy cơ xảy ra sự cố trên không phận Syria.
Bình luận (0)