Ủy ban bầu cử Thái Lan (EC) kêu gọi chính phủ hoãn cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào ngày 2-2-2014 cho đến khi có “sự thống nhất từ tất cả các bên”.
Tuy nhiên, chính phủ Thái Lan cho biết việc trì hoãn này không hợp hiến. “Sau khi giải tán quốc hội, một cuộc bầu cử phải được tổ chức trong vòng 60 ngày. Không có luật nào cho phép chính phủ trì hoãn bầu cử” - Phó Thủ tướng Pongthep Thepkanchana phát biểu trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình.
Người biểu tình tụ tập bên ngoài ngôi nhà Thủ tướng Yingluck Shinawatra hôm 26-12. Ảnh: Reuters
Người biểu tình bị bắt hôm 26-12. Ảnh: BANGKOK POST
Có đến 96 người bị thương trong các cuộc đụng độ tại sân vận động Thái – Nhật ở Din Daeng, Bangkok ngày 26-12. Trong số đó có 4 người nguy kịch do trúng đạn. 1 cảnh sát cũng thiệt mạng do bị bắn vào ngực. Sự xuất hiện của đạn thật khiến tình hình ở Thái Lan càng thêm nghiêm trọng. Ngoài ra, có 14 người biểu tình bị bắt.
Đảng Pheu Thai của Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra nhiều khả năng sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới. Do đó, người biểu tình yêu cầu bà Yingluck từ chức và cải cách chính trị trước khi bỏ phiếu nhằm loại trừ quyền lực của gia đình tỉ phú Thaksin Shinawatra, anh trai bà Yingluck.
Với đòi hỏi thiết lập một “hội đồng nhân dân” để điều hành đất nước thay chính phủ, phe chống đối đã bác bỏ đề nghị thành lập hội đồng cải cách độc lập của bà Yingluck hôm 25-12.
Mù mịt hơi cay ở sân vận động Thái - Nhật. Ảnh: REUTERS
Người biểu tình giật đổ rào chắn của sân vận động sáng 26-12. Ảnh: REUTERS
Bà Yingluck đã nhiều lần nhượng bộ người biểu tình nhằm tránh một cuộc đối đầu có thể dẫn đến sự can thiệp của quân đội.
Vào năm 2010, nhiều cuộc biểu tình chống chính phủ đã bị trấn áp đẫm máu với hơn 90 người chết. Điều này cũng cho thấy phe “Áo đỏ” trung thành với ông Thaksin sẽ không ngồi yên nếu cuộc bầu cử sắp tới bị ảnh hưởng.
Bình luận (0)