Theo ông Min Min Soe, luật sư của bà Suu Kyi, nhà lãnh đạo 75 tuổi đã yêu cầu gặp nhóm pháp lý của mình trong phiên tòa nêu trên, diễn ra với hình thức trực tuyến. Kể từ khi bị bắt giữ trong cuộc đảo chính hôm 1-2 cùng các quan chức cấp cao của Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD), bà Suu Kyi đến giờ vẫn chưa xuất hiện trước công chúng.
Ban đầu, nữ lãnh đạo Đảng NLD bị buộc tội nhập khẩu trái phép 6 thiết bị liên lạc. Sau đó, bà tiếp tục bị cáo buộc vi phạm Luật Quản lý Thiên tai khi phớt lờ các biện pháp chống dịch Covid-19. Đến ngày 1-3, theo luật sư Min Soe, tòa án bổ sung 2 cáo buộc nhằm vào bà Suu Kyi. Cáo buộc đầu tiên liên quan đến luật hình sự từ thời thuộc địa cấm đăng tải thông tin có thể "gây sợ hãi hoặc hoảng loạn". Cáo buộc còn lại liên quan đến quy định về giấy phép sở hữu thiết bị viễn thông. Phiên tòa tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày 15-3.
Người biểu tình trong một cuộc đụng độ với lực lượng an ninh tại TP Yangon - Myanmar, hôm 1-3. Ảnh: REUTERS
Mỹ, Liên Hiệp Quốc (LHQ) và khối Liên minh châu Âu (EU) hôm 28-2 tiếp tục thể hiện sự ủng hộ dành cho chính quyền của bà Suu Kyi, đồng thời lên án chính quyền quân sự Myanmar vì đợt trấn áp đẫm máu nhất nhằm vào đám đông biểu tình.
Chỉ trích điều ông gọi là "hành vi bạo lực ghê tởm" của lực lượng an ninh Myanmar trong đợt trấn áp khiến ít nhất 18 người biểu tình thiệt mạng hồi cuối tuần rồi, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố Washington sẽ hành động để bảo đảm những cá nhân liên quan phải trả giá.
Cùng ngày, người phát ngôn LHQ Stephane Dujarric cho biết Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres quan ngại sâu sắc về thương vong gia tăng, nhấn mạnh hành vi sử dụng vũ lực tàn bạo chống lại người biểu tình ôn hòa và bắt giam tùy tiện là "không thể chấp nhận".
Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU, ông Josep Borrell, xác nhận khối này sẽ triển khai các biện pháp trừng phạt để đáp trả hành động bạo lực, "coi thường luật pháp quốc tế" của chính quyền quân sự Myanmar.
Theo Reuters, các bộ trưởng châu Âu đã nhất trí trừng phạt quân đội Myanmar vì cuộc đảo chính và quyết định giữ lại một số viện trợ phát triển cho quốc gia này. Lệnh trừng phạt dự kiến được hoàn tất trong vài ngày tới và sẽ có hiệu lực sau khi EU thông báo chính thức.
Myanmar chìm trong khủng hoảng chính trị kể từ khi quân đội đảo chính và bắt giữ giới lãnh đạo NLD, với cáo buộc không hành động về nghi vấn gian lận trong đợt bầu cử hồi tháng 11-2020 mà trong đó, đảng của bà Suu Kyi giành chiến thắng.
Trước sức ép gia tăng, chính quyền quân sự Myanmar dường như vẫn không nhượng bộ. Một ngày sau đợt trấn áp bạo lực nêu trên, lực lượng an ninh tại Yangon, thành phố lớn nhất Myanmar, hôm 1-3 tiếp tục sử dụng lựu đạn gây choáng và hơi cay để giải tán đám đông biểu tình yêu cầu trả tự do cho lãnh đạo Suu Kyi.
Bình luận (0)