Nghiên cứu từ Anh đầu năm 2022 cho thấy khoảng 61% chủ sở hữu muốn biết thức ăn họ mua cho thú cưng có tác động đến môi trường thế nào.
Kết quả của nghiên cứu do TS Peter Alexander làm chủ nhiệm, công bố trên tạp chí "Biến đổi môi trường toàn cầu", khẳng định: "Ngành sản xuất thức ăn cho thú cưng toàn cầu phát thải ra nhiều khí nhà kính hơn các quốc gia, trong đó có Mozambique và Philippines".
Đề tài do nhóm của ông Alexander thực hiện cũng tính toán rằng mỗi năm, một khu vực có diện tích gấp đôi Vương quốc Anh được sử dụng để sản xuất thức ăn khô cho chó và mèo.
Một nghiên cứu cho thấy 29,3 triệu tấn thức ăn khô cho vật nuôi được sản xuất trên toàn cầu vào năm 2020. Ảnh: BBC
Trong khi đó, một cuộc nghiên cứu tại Mỹ cho biết thức ăn cho chó, mèo chiếm 30% tác động môi trường của quá trình sản xuất thịt thông thường.
Vì vậy, đã đến lúc loại bỏ thịt thông thường khỏi thực đơn cho thú cưng để chuyển sang các lựa chọn thay thế bền vững hơn, chẳng hạn như thực phẩm thuần chay, côn trùng và thậm chí cả thịt nuôi trong phòng thí nghiệm?
Nhóm nghiên cứu của hai công ty công nghệ sinh học là Agronomics và Roslin Technologies đã phát triển thịt heo và thịt gà nhân tạo trong phòng thí nghiệm, đồng thời còn phát triển thịt bò và thịt cừu nhân tạo dành cho thú nuôi.
Quy trình sản xuất thịt nhân tạo trong phòng thí nghiệm bắt đầu bằng tế bào gốc, thường được lấy từ phôi thai nhưng cũng có nguồn gốc từ động vật trưởng thành, sau đó được nuôi trong phòng thí nghiệm. Theo phương pháp tương tự như những gì xảy ra bên trong cơ thể động vật, chúng được cung cấp các chất dinh dưỡng như axit amin, glucose và vitamin.
Cho thú cưng ăn thịt nhân tạo dường như trở thành xu thế bởi nhiều lợi ích. Ảnh: BBC
Công ty Good Dog Food (Anh) hy vọng sẽ đưa loại thịt nuôi trong phòng thí nghiệm ra thị trường trong vài năm tới.
Kỹ thuật sản xuất thịt nhân tạo trong phòng thí nghiệm không cần chăn nuôi và giết mổ động vật. Công ty Good Dog Food cho biết không cần phải cung cấp thêm tế bào gốc vì kho dự trữ "liên tục đổi mới".
"Thịt nuôi cấy cung cấp cho chủ sở hữu thú cưng thêm lựa chọn chế độ ăn dựa trên nguyên liệu động vật. Điều này không ảnh hưởng đến vấn đề đạo đức và môi trường vốn liên quan đến việc cho thú cưng ăn thịt truyền thống" - GS Jacqui Matthews, cựu giám đốc khoa học của Roslin Technologies.
Cũng theo ông, chế độ ăn thuần chay cho thú cưng có thể được bổ sung nhiều chất đã được tổng hợp. Hơn nữa, có bằng chứng cho thấy đây là một lựa chọn an toàn và lâu dài.
Các chuyên gia cho rằng thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm làm thức ăn cho thú cưng giúp loại bỏ những lo ngại về đạo đức và môi trường. Ảnh: BBC
Còn Giám đốc điều hành của Good Dog Food Owen Ensor khẳng định thịt nuôi trong phòng thí nghiệm sử dụng ít đất, nước và điện hơn nhiều, đồng thời giảm ô nhiễm liên quan đến nông nghiệp, phá rừng, mất đa dạng sinh học. Ông hy vọng việc sản xuất thịt nhân tạo sẽ không sử dụng kháng sinh.
Thịt nuôi trong phòng thí nghiệm có thể vẫn khiến một số người thấy khó chịu. Tuy nhiên, thực tế là thịt gà nuôi cấy đã được bán cho người tiêu dùng ở Singapore.
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) hồi tháng 11 năm ngoái cũng cho phép một công ty khởi nghiệp sản xuất thịt gà nuôi cấy trong phòng thí nghiệm cho con người.
"Chế độ ăn cho thú cưng thường theo sát xu hướng thức ăn của con người. Một ví dụ điển hình là chế độ ăn không có gluten trở thành xu hướng đối với con người và ngay sau đó ngành công nghiệp vật nuôi không có ngũ cốc đột nhiên bùng nổ. Gần đây, chúng tôi ghi nhận xu hướng này với chế độ ăn thuần chay" - bà Alyssa Ralph, một chuyên gia về dinh dưỡng cho thú cưng, nhận định.
Omni nói rằng doanh số bán thức ăn thuần chay cho vật nuôi của họ đã tăng vọt. Ảnh: BBC
Chính do xu thế này mà doanh số bán thức ăn thuần chay cho vật nuôi của thương hiệu Omni (Anh) đã tăng gấp 6 lần kể từ tháng 9-2021.
"Vật nuôi cần protein nhưng có thể cung cấp tất cả lượng protein chúng cần từ thức ăn có nguồn gốc thực vật" - bác sĩ thú y Guy Sandelowsky, nhà đồng sáng lập thương hiệu Omni, quả quyết.
Bình luận (0)