Chính phủ Ý dự kiến chi khoảng 300 triệu USD cho chương trình này.
Theo báo Washington Post, việc cho tiền những người 18 tuổi ở quốc gia có tỉ lệ thất nghiệp trong giới trẻ trên 35% nhằm giúp họ có những trải nghiệm cũng như nhìn đất nước theo hướng tích cực hơn. “Đó là một thông điệp rõ ràng: Chào mừng những ai 18 tuổi và nhắc nhở rằng văn hóa rất quan trọng, làm phong phú đời sống tinh thần cá nhân cũng như củng cố kết cấu xã hội của nước Ý” - ông Tommaso Nannicini, quan chức chịu trách nhiệm chương trình, bày tỏ.
Thông qua chương trình, chính phủ Ý cũng muốn gửi lời nhắn tới các nhóm vũ trang trong bối cảnh châu Âu vất vả chống lại mối đe dọa từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và nhiều nhóm khủng bố khác. Khi thông báo kế hoạch trên chỉ vài ngày sau vụ tấn công ở Paris - Pháp làm chết ít nhất 130 người hồi tháng 11-2015, Thủ tướng Ý Matteo Renzi ám chỉ không nên chỉ đối phó những kẻ cực đoan bằng quân sự mà còn cả về ý thức hệ. “Chúng tạo ra sự sợ hãi, chúng ta đáp lại bằng văn hóa. Chúng phá hủy tượng đài, chúng ta yêu nghệ thuật. Chúng thiêu hủy sách, chúng ta là đất nước của những thư viện” - ông Renzi mô tả về “cuộc chiến văn hóa”.
Trong khi các đảng đối lập chỉ trích chương trình mang tính dân túy, nhiều chuyên gia chống khủng bố và các nhà quan sát quốc tế lại nhận định nó có thể hiệu quả hơn một số nỗ lực chống cực đoan hóa giới trẻ trước đây. Ý tưởng chống chủ nghĩa cực đoan thông qua những khích lệ về văn hóa và xã hội đang ngày càng phổ biến ở các quốc gia châu Âu giàu có khác - như Anh, Đức, Pháp - dù quy mô nhỏ hơn Ý. Tuy vậy, một số cộng đồng Hồi giáo - như ở Anh - lo ngại đây chỉ là biện pháp để cảnh sát theo dõi nghi phạm khủng bố.
Bình luận (0)