Phó Thủ tướng Đức Sigmar Gabriel cho rằng cần phải thực hiện mọi biện pháp có thể để hạn chế và kiểm soát chặt chẽ việc mua bán vũ khí. Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Thomas de Maiziere cũng có kế hoạch xem xét lại những luật lệ liên quan đến súng đạn.
Đức được xem là một trong những quốc gia kiểm soát vũ khí nghiêm ngặt nhất thế giới. Luật súng đạn ở nước này được siết chặt hơn sau vụ nổ súng ở trường học tại TP Erfurt năm 2002 khiến 16 người thiệt mạng và ở thị trấn Winnenden trong năm 2009 làm chết 16 người.
Theo quy định, người dưới 25 tuổi phải trải qua một cuộc đánh giá tâm thần nếu muốn mua vũ khí. Bất chấp một loạt biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt, Đức lại là một trong những quốc gia có tỉ lệ người sở hữu súng cao nhất thế giới - đứng thứ 4 sau Mỹ, Thụy Sĩ và Phần Lan vào năm 2013, theo tạp chí Spiegel.
Phó Thủ tướng Gabriel cho biết thêm nhà chức trách đang tìm hiểu xem làm thế nào mà kẻ gây ra vụ xả súng kinh hoàng ở TP Munich - một thanh niên 18 tuổi mang 2 quốc tịch Đức, Iran tên David Sonboly - lại tiếp cận được súng đạn bất chấp có những vấn đề về tâm lý.
Kết quả điều tra ban đầu cho thấy Sonboly từng được điều trị tâm thần, thích đọc sách báo về những vụ thảm sát nhưng lại không có tiền án và mối liên hệ với các nhóm cực đoan. Y đã xâm nhập vào một tài khoản Facebook, đăng thông điệp giả mạo về “phần ăn miễn phí” tại một nhà hàng McDonald’s để dẫn dụ nạn nhân đến đó trước khi ra tay.
Các nhân chứng cho biết chủ nghĩa bài ngoại đóng vai trò trong vụ thảm sát bất chấp hung thủ chào đời tại Đức và là con trai của một người Iran xin tị nạn ở nước này. Một đoạn video cho thấy thiếu niên này hô to lời lẽ chống người nước ngoài khi nổ súng vào các nạn nhân. Nhà chức trách cũng đang xem xét thông tin tên này bị bạn bè bắt nạt.
Theo Reuters, một loạt vụ tấn công nhằm vào dân thường gần đây ở châu Âu và Mỹ cho thấy lỗ hổng của cộng đồng tình báo trong việc theo dõi những kẻ cực đoan và ngăn chặn các vụ thảm sát.
Các quan chức chống khủng bố của Anh, Pháp, Mỹ cho rằng những vụ tấn công như thế thường được thực hiện bởi những “con sói đơn độc” có tiền sử bệnh tâm thần. Tuy nhiên, rất ít vụ việc có liên hệ trực tiếp với các tổ chức cực đoan.
Vấn đề là những nỗ lực chống khủng bố toàn cầu hiện chỉ tập trung vào âm mưu của những tổ chức khủng bố lớn như Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Ngoài ra, các hệ thống thu thập thông tin tình báo về phần tử cực đoan hiện nay không được lập ra để nhận dạng những cá nhân có tiền sử bị bệnh tâm thần. Điều đáng lo là nếu những cá nhân này tiếp xúc với các phần tử cực đoan có nguy cơ bị chúng kích động để tiến hành những vụ tấn công.
Bình luận (0)