Từng là bạn thân song cuộc chuyển giao giữa 2 vị tổng thống (TT) sáng lập nước Mỹ John Adams và Thomas Jefferson sau cuộc bầu cử TT lạ lùng năm 1800 lại nổi tiếng trắc trở.
Trở mặt
Đây được coi là một trong những cuộc chuyển giao quyền lực quan trọng nhất trong lịch sử nước Mỹ. Hai người bạn cũ vốn từng cùng chiến tuyến trong cuộc cách mạng giành độc lập của nước Mỹ bắt đầu khó nhìn mặt nhau khi lần lượt trở thành đại diện cho Đảng Liên bang và Liên đảng Dân chủ - Cộng hòa tranh cử TT. Kết quả, ông Jefferson đã đánh bại vị TT đương nhiệm đại diện cho Đảng Liên bang.
Tuy nhiên, một tình thế chưa từng có tiền lệ đã xảy ra khi ông Jefferson và nhân vật được ông lựa chọn làm cấp phó là Aaron Burr lại cùng giành số phiếu cử tri đoàn bằng nhau. Nguyên nhân xuất phát từ “sơ hở” trong Hiến pháp Mỹ lúc bấy giờ - cho phép mỗi thành viên cử tri đoàn từng bang có 2 phiếu bầu không phân biệt giữa TT và phó TT, ai giành nhiều phiếu hơn sẽ là TT. Sau 35 cuộc bỏ phiếu trong vòng 1 tuần, Hạ viện Mỹ cuối cùng cũng quyết định ông Jefferson trở thành chủ nhân thứ 3 của Nhà Trắng.
Tổng thống Harry Truman (trái) và người kế nhiệm Dwight Eisenhower rời Nhà Trắng trên chiếc xe mui trần cùng tới lễ nhậm chức ngày 20-1-1953. Ảnh: AP
Sau kết quả này, TT đương nhiệm Adams đã lên đường về quê nhà ở Massachusetts và không dự lễ nhậm chức của người kế nhiệm. Theo Huffington Post, ông Adams vô cùng giận dữ với việc ông Jefferson đã thuê chuyên gia thủ đoạn chính trị James Callender hủy hoại tiếng tăm của mình trong suốt chiến dịch tranh cử. Callender đã phát tán thành công những tin đồn thất thiệt rằng vị TT thứ 2 của Mỹ có tham vọng xâm lược nước Pháp nếu tái đắc cử. Trong suốt chiến dịch tranh cử, người ủng hộ ông Jefferson còn bêu riếu ông Adams là “kẻ biến thái”, trong khi người ủng hộ vị TT đương nhiệm gọi đối thủ của ông là “tên bần tiện”.
Dù vậy, lễ nhậm chức năm 1801 bề ngoài vẫn có vẻ suôn sẻ. Thậm chí, lúc đó ông Jefferson còn ca ngợi đây là một “cuộc cách mạng” đánh dấu tiền lệ hiện đại đầu tiên của một đảng chuyển giao thành công cho một đảng khác. Tuy nhiên, cùng lúc đó, TT sắp mãn nhiệm Adams đã ban hành hàng loạt “bổ nhiệm nửa đêm” đối với các thẩm phán và quan chức tòa án cho Đảng Liên bang.
Những quyết định phút chót trong nỗ lực nhằm “trói tay trói chân” chính quyền sắp tới của TT đắc cử Jefferson này sau đó đã phải nhờ tới cả tòa án tối cao phân xử. Phải hơn một thập kỷ sau, 2 vị TT - lúc đó đều đã “về vườn” - mới có thể hàn gắn lại tình bạn trước khi cùng qua đời vào ngày 4-7-1826, đúng 50 năm sau ngày Mỹ tuyên bố độc lập.
Kịch tính
Cuộc chuyển giao tồi tệ nhất giữa 2 đời TT Mỹ có lẽ phải kể tới năm 1860, sau khi ông Abraham Lincoln thắng cử - theo tờ Time. Giữa cuộc bầu cử tháng 11 và ngày nhậm chức, ông Lincoln và TT đương nhiệm James Buchanan đã không nói với nhau lời nào.
Khi đó, phong trào ly khai đã nổ ra tại 7 bang của Mỹ hòng thành lập một chính quyền liên hiệp lâm thời. TT Buchanan nhất trí với TT đắc cử rằng các bang này không có quyền ly khai nhưng mặt khác cũng nhấn mạnh việc chính quyền thống nhất đất nước bằng bạo lực sẽ bị coi là phạm pháp. Kết quả là đến thời điểm TT Lincoln nhậm chức, chính phủ Mỹ gần như không thể làm gì để ngăn chặn việc thành lập Liên minh miền Nam cũng như ngăn chặn cuộc nội chiến đẫm máu nhất trong lịch sử nước Mỹ nổ ra chỉ 5 tuần sau đó.
Chín năm sau cũng diễn ra một cuộc chuyển giao không kém phần kịch tính khi TT Mỹ thứ 17 Andrew Johnson nhất quyết không tham dự lễ nhậm chức bởi người kế nhiệm Ulysses S. Grant đã từ chối ngồi chung với ông trên chuyến xe tới buổi lễ. TT Johnson đã “trốn” trong Nhà Trắng suốt lễ nhậm chức.
Nếu kể tới mối quan hệ đặc biệt của các ông chủ Nhà Trắng, hẳn sẽ khó có thể bỏ qua TT thứ 33 Harry S. Truman và người kế nhiệm Dwight Eisenhower. Cả hai từng làm việc với nhau trong những ngày cuối cùng của Thế chiến II khi ông Truman nắm giữ vai trò Tổng Tư lệnh nước Mỹ, còn ông Eisenhower là tướng quân đội. Hai người sau đó tiếp tục cùng tham gia quá trình sáng lập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Mọi chuyện bắt đầu tồi tệ sau khi ông Truman mời vị tướng của mình tới Nhà Trắng năm 1948. Vị TT của Đảng Dân chủ đã kỳ vọng có thể đề cử ông Eisenhower làm ứng viên TT của đảng này song vị tướng cuối cùng lại quyết định đại diện cho Đảng Cộng hòa. Cuộc đụng độ chính trị tăng nhiệt khi Tướng Eisenhower chống đối gay gắt chính sách quân sự của TT Truman trong chiến dịch tranh cử của mình, đồng thời cam kết sẽ tới Triều Tiên để kết thúc cuộc chiến lúc đó.
Sau khi bị ông Eisenhower đánh bại trong cuộc bầu cử năm 1953, TT Truman đã không tiếc lời công kích người bạn cũ. Theo ông, Tướng Eisenhower không thích hợp để trở thành TT. Ông Truman còn châm chọc rằng Tướng Eisenhower từng là người thừa hành những mệnh lệnh ông đưa ra nhưng “ông ta sẽ sớm nhận ra rằng là một vị TT, người ta không làm như vậy”. Về phần mình, TT đắc cử Eisenhower đã từ chối dự bữa ăn trưa trước Giáng sinh mà Nhà Trắng mời và trong ngày nhậm chức đã từ chối chào đón ông Truman.
Tranh cử xấu xí
Đến lượt con trai của TT John Adams là John Quincy Adams - TT Mỹ thứ 6, sự lạnh nhạt với người kế nhiệm tiếp tục hiện diện trong cuộc chuyển giao năm 1829. Ông chủ Nhà Trắng (lúc bấy giờ còn gọi là Tòa nhà Hành pháp) thậm chí không đón tiếp TT đắc cử Andrew Jackson.
Cuộc tranh cử trước đó diễn ra cực kỳ xấu xí cho dù có lấy tiêu chuẩn đã thoáng hơn nhiều của ngày nay để nhìn nhận. Những người ủng hộ TT Adams (con) gọi vợ của ông Jackson là “người đàn bà hư hỏng” bởi bà chưa hoàn tất ly hôn với chồng cũ. Người phụ nữ tội nghiệp đã qua đời vài ngày trước hôm bầu cử. Ông Jackson giận dữ đổ lỗi cái chết của vợ mình cho đối thủ. Khi kết quả cuối cùng được công bố với chiến thắng thuộc về ông Jackson, những người ủng hộ vị TT đắc cử đã xông vào tòa bạch ốc khiến TT đương nhiệm phải bỏ trốn qua cửa sau!
Vào ngày ông Jackson nhậm chức, đánh dấu lần đầu tiên một thường dân trở thành TT Mỹ, nhiều người ủng hộ đã kéo tới thủ đô, một số còn tới dinh TT trước cả chủ nhân. Đám đông nhanh chóng manh động khiến chính TT Jackson cũng sợ hãi, tìm đường thoát thân qua cửa sổ lầu 1 và tá túc trong khách sạn gần đó.
Kỳ tới: Khó lường tổng thống “vịt què”
Bình luận (0)