Ông Kim Yong-nam được xem là nhân vật quyền lực thứ hai của Triều Tiên, chỉ đứng sau nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Theo hãng tin IRNA, ông Kim Yong-nam dẫn đầu phái đoàn gồm các quan chức kinh tế và quân sự tới Tehran hôm 3-8 để dự lễ tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Hassan Rouhani. Tuy nhiên, đài CNBC nhận định chuyến thăm còn cho thấy những mục đích khác của Bình Nhưỡng, trong đó có mở rộng hợp tác quân sự với Tehran.
"Sự hợp tác giữa Triều Tiên và Iran có thể gây không ít quan ngại bởi yếu tố lịch sử cũng như ý nghĩa chiến lược, đặc biệt là đối với Iran. Còn đối với Triều Tiên, (chuyến thăm) không phải là vấn đề về ý thức hệ, không phải là vấn đề tiếp xúc về mặt chính trị mà là giúp họ nắm được công nghệ, thành phần và bí quyết hạt nhân nguy hiểm" - nhà nghiên cứu Emily Landau đến từ Viện Nghiên cứu An ninh quốc gia Israel bình luận.
Ông Matthew Bunn, chuyên gia về phổ biến vũ khí hạt nhân tại Trường ĐH Harvard (Mỹ), nhận xét: "Cả Triều Tiên lẫn Iran đều cảm nhận được mối đe dọa nghiêm trọng đến từ Mỹ và phương Tây. Họ xem nhau như 2 quốc gia khác biệt nhưng phải đối mặt với tình huống tương tự".
Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Larijani (phải) tiếp ông Kim Yong-nam tại Tehran hôm 4-8 Ảnh: PRESS TV
Dù sự hợp tác hạt nhân giữa Triều Tiên và Iran vẫn còn là bí ẩn nhưng một số chuyên gia phân tích của Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) trước đây từng tiết lộ các nhà khoa học Iran đã tham gia nhiều vụ thử hạt nhân của Triều Tiên.
Ngoài ra, theo ông Bunn, 2 nước còn từng hợp tác khá mạnh mẽ trong việc phát triển tên lửa. Chẳng hạn, tên lửa đạn đạo Shahab-3 của Iran được chế tạo dựa trên công nghệ phát triển rốc-két Nodong-1 của Triều Tiên. Ông Bunn cho rằng dù Iran đang bị ràng buộc bởi thỏa thuận hạt nhân quốc tế, vẫn có khả năng nước này và Triều Tiên âm thầm hợp tác về nghiên cứu hạt nhân.
Sức ép của cộng đồng quốc tế lên Bình Nhưỡng chắc chắn tiếp tục tăng trong trường hợp Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) trong ngày 5-8 (giờ New York) bỏ phiếu thông qua dự thảo nghị quyết cấm Triều Tiên xuất khẩu than, sắt, quặng sắt, chì, quặng chì và hải sản.
Đây là những lĩnh vực xuất khẩu mang lại nguồn tiền dồi dào để Triều Tiên phát triển chương trình vũ khí hạt nhân - theo một nhà ngoại giao của LHQ.
Dự thảo nghị quyết cũng bổ sung 9 cá nhân và 4 thực thể vào "danh sách đen" của LHQ, với hình phạt đóng băng tài sản toàn cầu và cấm nhập cảnh. 15 thành viên Hội đồng Bảo an đã được thông báo về cuộc bỏ phiếu hôm 4-8. Một nhà ngoại giao tiết lộ khả năng Trung Quốc và Nga ủng hộ dự thảo này là khá cao.
Bình luận (0)