12 bộ trưởng các nước gồm Mỹ và khu vực châu Á – Thái Bình Dương kết thúc các cuộc đàm phán kéo dài 5 ngày tại TP Atlanta tối 4-10 (giờ Mỹ). Tuy nhiên, cuộc họp báo công bố thỏa thuận lẽ ra diễn ra tối cùng ngày đã bất ngờ bị dời sang ngày 5-10 (giờ Mỹ).
Những khúc mắc chính khiến quá trình đàm phán TPP chưa thể đi đến thỏa thuận sau cùng do các bên không thống nhất được thời gian bảo hộ bản quyền dược phẩm và mở cửa thị trường sữa cho một số thành viên trong hiệp định.
Trước khi xuất hiện thông tin Úc và Mỹ đạt được thỏa thuận then chốt về thời gian bảo hộ bản quyền dược phẩm, khúc mắc cuối cùng của TPP, Bộ trưởng Thương mại Úc Andrew Robb cho biết “vấn đề sinh dược” vẫn là yếu tố sống còn trong các cuộc đàm phán. Ông Robb thừa nhận cơ hội để ký kết thỏa thuận TPP trong ngày 5-10 (giờ Mỹ) chỉ là 50%.
Mỹ cho phép các công ty dược phẩm thời hạn độc quyền 12 năm để sử dụng dược liệu chế tạo các sản phẩm sinh dược mới. Trong khi đó, Úc khẳng định thời gian này không được vượt quá 5 năm để các nước đang phát triển có cơ hội sản xuất các loại thuốc tương tự nhằm giảm giá thành. Mỹ sau đó rút thời hạn này xuống còn 8 năm nhưng ông Robb kiên quyết giữ nguyên ý định.
Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Akira Amari cảnh báo đây là “cơ hội cuối cùng” để Mỹ và 11 quốc gia châu Á – Thái Bình Dương còn lại đạt được một thỏa thuận.
Các nước đã đồng ý mở cửa thị trường cho các ngành công nghiệp như thịt bò, rau quả, rượu vang, hải sản và ngũ cốc nhưng bế tắc trong việc thỏa thuận về thị trường sữa và đường. New Zealand đòi mở cửa cho thị trường xuất khẩu sữa của nước này nhưng bị Mỹ gây khó khăn.
Theo Bộ trưởng Nông nghiệp Úc Barnaby Joyce, cuộc đàm phán “đang tiến triển tốt” và ông sẽ nhường cho Bộ trưởng Robb công bố kết quả chi tiết.
Hiệp định TPP một khi được ký kết sẽ giảm thuế nhập khẩu và thiết lập các tiêu chuẩn chung cho 12 quốc gia đại diện cho 40% sản lượng kinh tế toàn cầu.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thúc đẩy ký kết hiệp định trong suốt nhiệm kỳ của mình để mở cửa thị trường xuất khẩu của nước này, bao gồm các dịch vụ tài chính và dược phẩm. Thỏa thuận cũng được xem là chiêu bài đối trọng với Trung Quốc tại khu vực châu Á của Washington.
Bình luận (0)