Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc hiện gây sức ép đáng kể lên các doanh nghiệp mắc kẹt giữa "làn đạn". Ngay cả sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ vào tháng tới, căng thẳng này sẽ không biến mất. Các nhà sản xuất ở Trung Quốc, cả người bản xứ lẫn nước ngoài, đều đang có động thái ứng phó.
Các trung tâm phân phối sản phẩm tiêu dùng bắt đầu được chuyển từ Trung Quốc sang Hồng Kông. Các công ty điện tử đại lục đang dời cơ sở sang Đài Loan để những thành phẩm được xuất khẩu sang Mỹ không có xuất xứ từ Trung Quốc lục địa. Bước đi này cho phép họ tuân thủ các quy tắc xuất xứ và không chịu thuế quan mới của Washington.
Khi Hải quan Mỹ thắt chặt quy định về quy tắc xuất xứ, việc chuyển hướng thương mại và sau đó là đầu tư từ Trung Quốc sang Đông Nam Á và các nơi khác là điều khó tránh. Thay vào đó, Trung Quốc sẽ cung cấp thành phần cho các nước xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ. Chiến tranh thương mại đẩy nhanh một tiến trình đang diễn ra, các hoạt động sản xuất có giá trị gia tăng thấp hơn được dịch chuyển từ Trung Quốc đến Đông Nam Á, Nam Á và châu Phi.
Trung Quốc có thể dành nhiều tập trung hơn cho Sáng kiến Vành đai và Con đường trong bối cảnh nền kinh tế số 2 thế giới chuẩn bị cho cuộc thử thách kéo dài về sức mạnh với Mỹ. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc không muốn đấu với Washington nhưng không thể để bị mất mặt trong mắt người dân. Trong nhiều thập kỷ tới, ảnh hưởng kinh tế, chính trị, quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc chắc chắn có lúc gây bất ổn trong các mối quan hệ với Mỹ, châu Âu, Nga, Ấn Độ và Nhật Bản.
Trong bối cảnh thế giới nỗ lực thích ứng với tình hình địa chính trị đang thay đổi, ASEAN là bên hưởng lợi lớn nhất. Hiệp hội này không đe dọa đến các cường quốc lớn trong lúc có thể điều chỉnh để đương đầu với những sức ép, căng thẳng tại khu vực bằng cách thỉnh thoảng nghiêng về một hướng, đôi khi lại nghiêng theo một hướng khác.
Hội chợ Triển lãm Trung Quốc - ASEAN tại TP Nam Ninh hồi tháng 9-2018 Ảnh: TÂN HOA XÃ
Người ta vẫn chưa chú ý nhiều đến tầm quan trọng ngày càng tăng của Trung Quốc trong vai trò nhà nhập khẩu. Quốc gia này không lâu nữa có thể trở thành thị trường nhập khẩu hàng đầu thế giới, không chỉ về nguyên liệu thô và thực phẩm mà còn về sản phẩm và dịch vụ. Điều này sẽ có những tác động mạnh mẽ cho thương mại, kinh tế và chính trị toàn cầu. Trong tháng 11 tới, hội chợ triển lãm nhập khẩu quốc tế đầu tiên của Trung Quốc sẽ diễn ra tại TP Thượng Hải. Sự kiện có quy mô lớn này sẽ phát đi tín hiệu đến thế giới: ASEAN, một hiệp hội có Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Trung Quốc, hiện trở thành khu vực sản xuất hàng xuất khẩu lớn không chỉ cho các nền kinh tế tiên tiến mà còn cho cả Bắc Kinh.
Sự hội nhập giữa các nền kinh tế ASEAN và Trung Quốc đang diễn ra mạnh mẽ. Vào thời điểm công bố Sáng kiến Vành đai và Con đường ở thủ đô Jakarta - Indonesia hồi tháng 10-2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bày tỏ hy vọng thương mại song phương giữa nước này và ASEAN sẽ đạt 1.000 tỉ USD vào năm 2020.
Căng thẳng về thương mại, chính trị giữa Trung Quốc và Mỹ càng đẩy nhanh sự hội nhập nói trên. Đối với mỗi quốc gia ASEAN, Trung Quốc đã là đối tác thương mại lớn nhất. Tuy nhiên, Bắc Kinh biết rõ rằng bất kể mức độ hội nhập sâu rộng đến đâu, ASEAN sẽ không cho phép mình bị siết chặt trong vòng tay của Trung Quốc.
Năm 2002, khi thỏa thuận khung của FTA ASEAN - Trung Quốc được ký kết tại thủ đô Phnom Penh - Campuchia, Thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ bảo đảm với các nhà lãnh đạo ASEAN rằng Bắc Kinh không tìm kiếm vị thế độc quyền ở Đông Nam Á. Ngoài việc ký FTA với nhiều quốc gia, trong đó có Trung Quốc và Ấn Độ, ASEAN còn ủng hộ mạnh mẽ một FTA rộng lớn hơn, bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, New Zealand và Ấn Độ.
Các cuộc thương thảo về Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có thể sớm hoàn tất, với các nước tham gia chiếm phân nửa dân số thế giới. Một số nước ASEAN còn đang là thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Là một tổ chức trung lập và thân thiện với tất cả cường quốc, ASEAN chào đón đầu tư từ mọi hướng. Càng phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc, các nước ASEAN càng muốn đa dạng hóa để giảm bớt sự phụ thuộc này. Nhật Bản, Mỹ, Ấn Độ và châu Âu đang cạnh tranh lành mạnh để có quan hệ tốt với ASEAN. Riêng Nhật Bản và Ấn Độ còn tham gia xây dựng hạ tầng của ASEAN. Sự hiện diện mạnh mẽ của Mỹ đặc biệt được chào đón.
Trong mức độ nào đó, sự hiện diện của quân đội Mỹ giúp duy trì sự cân bằng chiến lược ở Đông Nam Á. Nhưng nếu cuộc đối đầu Mỹ - Trung trở nên nghiêm trọng, ASEAN tốt hơn không nên đứng về phía họ. Hiểu được điều này, Trung Quốc đã tăng gấp đôi nỗ lực làm việc với ASEAN về bộ quy tắc ứng xử tại biển Đông. Đã xuất hiện hy vọng hợp lý rằng bộ quy tắc này sẽ được ký kết không quá muộn.
Bình luận (0)