M6 cho biết cơ trưởng thông báo với trạm kiểm soát Cairo về việc máy bay bị khói bao phủ nhiều phần và quyết định hạ độ cao khẩn cấp để giải quyết. Tuyên bố này trái ngược hoàn toàn với báo cáo chính thức của phía Ai Cập rằng không có tín hiệu khẩn cấp lẫn liên lạc nào từ máy bay khi xảy ra thảm kịch.
Theo đó, sau khi trò chuyện với không lưu, phi công quyết định "hạ độ cao khẩn cấp" để làm giảm áp trong cabin với hy vọng xua tan được khói "xâm nhập từ phía trước máy bay vào".
Thông tin từ kênh M6 - dẫn lời các quan chức giấu tên của hàng không Pháp - chưa được Cơ quan Điều tra Tai nạn Hàng không Pháp (BEA) xác nhận.
Cơ quan này khẳng định chính quyền Ai Cập không đề cập bất cứ điều gì về nguồn tin trên với 3 chuyên viên nghiên cứu của BEA bay đến thủ đô Cairo tham gia điều tra chính thức.
Thủ tướng Ai Cập Sherif Ismail trả lời phóng viên bên ngoài sân bay quốc tế Cairo. Ảnh: AP
Sau khi chuyến bay xấu số chặng Paris (Pháp) – Cairo (Ai Cập) gặp nạn hôm 19-5, có nhiều thông tin trái ngược liên quan đến cuộc gọi cũng như tín hiệu khẩn cấp từ máy bay. Ban đầu, một phát ngôn viên hãng EgyptAir khẳng định máy bay có phát tín hiệu cầu cứu. Sau đó, tuyên bố này bị hãng rút lại còn quân đội Ai Cập thì bác bỏ.
Các tuyên bố trên được đưa ra sau khi xuất hiện báo cáo về việc có khói trong buồng lái và trong phòng vệ sinh máy bay, chỉ vài phút trước khi nó đâm xuống biển.
Các nhà chức trách thận trọng cho rằng vẫn còn quá sớm để kết luận nguyên nhân vụ việc nhưng các bằng chứng cho thấy đã có một tai họa bất ngờ xảy ra trên máy bay khiến nó lao xuống biển Địa Trung Hải.
Chuyên gia an ninh hàng không Philip Baum khẳng định: “Nếu họ mất kiểm soát máy bay trong vòng 3 phút, đó là rất, rất nhanh. Họ đã gặp phải một sự cố cực kỳ nghiêm trọng”.
Các nhà điều tra cho biết máy bay lảo đảo từ trái sang phải, xoay vòng và rơi xuống biển từ độ cao 11.582 m mà không phát ra bất cứ tín hiệu cầu cứu nào.
Hôm 21-5, quân đội Ai Cập công bố những hình ảnh đầu tiên về các mảnh vỡ thu được trên biển, gồm vật dụng cá nhân của hành khách và ghế ngồi. Nước này hôm 22-5 đã điều tàu ngầm đến khu vực hiện trường để tìm kiếm hộp đen máy bay.
Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah el-Sissi cho biết tàu ngầm trên thuộc Bộ Dầu mỏ nước này và có khả năng hoạt động ở độ sâu 3.000 m.
Một trong những gì còn sót lại từ chuyến bay MS804 của hãng EgyptAir. Ảnh: Egyptian Army
Chuyến bay MS804 cất cánh từ sân bay Charles de Gaulle của Paris - Pháp tối 18-5 đến thủ đô Cairo – Ai Cập cùng với 66 người. Những bản ghi âm đầu tiên từ máy bay cho thấy mọi việc vẫn theo trình tự bình thường khi phi công liên lạc trạm kiểm soát không lưu ở TP Zurich – Thụy Sĩ lúc nửa đêm trước khi chuyển sang trạm Ý tại TP Padua. Thời điểm này diễn ra khoảng 2 giờ trước khi trạm Hy Lạp mất liên lạc với máy bay.
Các quan chức Hy Lạp cho biết máy bay tiến vào vùng bay ở thủ đô Athens lúc 2 giờ 24 phút (giờ địa phương). Các kiểm soát viên cho biết lúc này cơ trưởng có vẻ có tâm trạng tốt.
Đến khoảng 3 giờ 20 phút, máy bay bay qua đảo Kasos của Hy Lạp. Sau đó gần 15 phút là thời điểm bộ cảm biến phát hiện khói trong nhà vệ sinh và một lỗi từ một trong hai cửa sổ buồng lái, theo dữ liệu rò rỉ của chuyến bay được trang Aviation Herald công bố.
3 giờ 27 phút, trạm không lưu Athens cố gắng liên lạc với máy bay để bàn giao với trạm Ai Cập nhưng không có trả lời, bất chấp cuộc gọi được thực hiện liên tục, kể cả trên tần số khẩn cấp. Cùng lúc đó, bộ cảm biến thông báo khói đã vào tới hệ thống điện tử, mạng máy tính và dây điện kiểm soát máy bay, trích trang Aviation Herald.
Những thông tin như trên “thường có nghĩa là có một vụ cháy xảy ra” – Sebastien Barthe, phát ngôn viên của BEA, cho biết. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo thêm rằng: “Mọi thông tin khác từ bài báo trên chỉ là phỏng đoán”.
Bình luận (0)