Trong bài viết đăng trên tạp chí Undergrad của Trường ĐH Hồng Kông tuần này, 13 sinh viên kêu gọi địa phương này tuyên bố độc lập vào năm 2047 với lý do Bắc Kinh lâu nay không chấp nhận sự tồn tại của một nền dân chủ lớn hơn tại đây. “Nhiều người trẻ đang thất vọng về cải cách chính trị và cả vấn đề bầu cử phổ thông đầu phiếu” - ông Ivan Choy Chi-keung, nhà khoa học chính trị tại Trường ĐH Hồng Kông Trung Quốc, giải thích về lời kêu gọi.
Vẫn còn quá sớm để biết kết quả. Chỉ biết rằng chuyện cơm không lành, canh không ngọt giữa Trung Quốc - Hồng Kông có dịp được khơi lại kể từ sau làn sóng biểu tình đòi bầu cử tự do năm 2014.
Không có gì khó hiểu khi Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật quốc hội Trung Quốc Kiều Hiểu Dương lập tức “phủ đầu” với tuyên bố không đời nào có chuyện Hồng Kông độc lập. Ngay cả Đặc khu trưởng Lương Chấn Anh cũng khẳng định lãnh thổ này là một phần của Trung Quốc từ xa xưa và điều này sẽ không thay đổi.
Cũng trong vài ngày qua, Bắc Kinh còn phát đi những tín hiệu khác nhau về phong trào “người bản địa” đang phát triển mạnh ở Hồng Kông. Vào cuối tuần rồi, ông Trương Đức Giang, Chủ tịch quốc hội Trung Quốc, cảnh báo một số yếu tố cấp tiến đang phá hoại hình ảnh quốc tế của Hồng Kông.
Vài ngày sau, đến lượt ông Phùng Uy, Phó Giám đốc Văn phòng các vấn đề Hồng Kông - Macau tại Bắc Kinh, lại nói Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận một số nhân vật cấp tiến ủng hộ dân chủ được bầu vào Cơ quan Lập pháp Hồng Kông vào tháng 9 tới.
Tờ Nikkei nhận định hai ông Trương và Phùng rõ ràng là muốn nói đến nhóm “Hồng Kông bản địa” đang nỗ lực chống lại sự can thiệp quá mức của đại lục vào sự tự trị của đặc khu này.
Giới quan sát cho rằng sau khi “cuộc cách mạng dù” năm 2014 chưa đủ sức buộc Bắc Kinh nhượng bộ, không ít người Hồng Kông có cảm giác bất lực nên sẵn sàng sử dụng bạo lực để đạt được mục đích tự trị. Là phát ngôn viên nhóm “Hồng Kông bản địa”, Edward Leung từng bị bắt do dẫn đầu cuộc biểu tình bạo động nhằm phản đối chính quyền trấn áp những người bán đồ ăn vỉa hè không có giấy phép ở khu Mongkok (Vượng Giác) hồi tháng 2.
Đến cuối tháng rồi, nhân vật 24 tuổi này càng được biết đến nhiều hơn khi bất ngờ về thứ ba trong cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp bổ sung tại khu vực Tân Giới Đông - được xem là phép thử đầu tiên đối với sự ủng hộ dành cho nhóm “Hồng Kông bản địa”.
Tờ The New York Times nhận định dù không chiến thắng nhưng tỉ lệ ủng hộ 15% dành cho Leung đủ khích lệ những người đi theo phong trào này cũng như khiến giới lãnh đạo Trung Quốc lo ngại, nhất là sau khi Leung tuyên bố đã sẵn sàng cho “trận chiến” lớn hơn sau 6 tháng nữa.
Ông Martin Lee, một nhà lập pháp Hồng Kông kỳ cựu, dự báo những nhà hoạt động dân chủ ôn hòa sẽ gặp khó khăn trong thời gian tới bởi nhóm “Hồng Kông bản địa” có thể làm phân tán số phiếu dành cho phe ủng hộ dân chủ trong các cuộc bầu cử sắp tới.
Tuy nhiên, không phải người dân Hồng Kông nào cũng ủng hộ chủ nghĩa cấp tiến bởi lo ngại chính trường bất ổn sẽ làm tổn thương nền kinh tế.
Bình luận (0)