Tắm trong sữa để công việc bớt nhàm chán?
Hôm 4-4, Nga mở cuộc điều tra hình sự đối với công ty sản xuất pho mát ở thành phố Omsk (thuộc Siberia) sau khi xuất hiện một số hình ảnh lan truyền trên internet tố cáo các công nhân của công ty tắm trần trong bể chứa sữa khiến người tiêu dùng kinh hãi.
Ảnh: Russia24
Ủy ban Điều tra Nga cho biết: “Chúng tôi xác định chất lỏng mà các công nhân đã tắm là sữa nguyên liệu dùng để sản xuất pho mát”.
Vụ bê bối nổ ra sau khi một công nhân ở Omsk đăng tải lên mạng xã hội một tấm ảnh chụp 6 công nhân ngụp lặn trong bể, một số người chỉ mặc quần đùi và xòe tay chữ V (mang ý nghĩa “chiến thắng”).
Ukraine cự tuyệt kẹo, pho-mát và cá Nga
Trong lúc Nga đang vật lộn để xử lý vụ bê bối tại công ty sản xuất pho mát ở thành phố Omsk, cơ quan bảo vệ quyền của người tiêu dùng ở Ukraine hôm 3-4 đã rút mứt kẹo, pho-mát và cá do Nga sản xuất khỏi các chuỗi cửa hàng bán lẻ với lý do các sản phẩm này vi phạm quy định về nhãn mác.
Cơ quan bảo vệ quyền của người tiêu dùng ở Ukraine hôm 3-4 đã rút các sản phẩm mứt kẹo, pho-mát và cá do nga sản xuất, khỏi các chuỗi cửa hàng bán lẻ.
Động thái này nhắm chủ yếu vào các sản phẩm do Krasny Oktyabr, Rot Front và Babayevsky Concern - các hãng chocolate nổi tiếng nhất của Nga, theo lệnh của Oleh Tyahnybok, một thành viên chính phủ mới của Ukraine.
Ukraine cũng đã cấm sản phẩm cá được chế biến ở khu vực Kaliningrad, phía tây nước Nga và pho-mát do Laktalis Istra sản xuất ở Moskva, sau khi có báo cáo kết quả kiểm tra các loại sản phẩm này.
Cơ quan Giám sát an toàn thực phẩm của Nga Rosselkhoznadzor cùng ngày bác bỏ những tuyên bố cho rằng những sản phẩm đó vi phạm luật quốc tế và quy trình kiểm tra an toàn thực phẩm. Thêm vào đó, Ukraine vẫn chưa chính thức thông báo cho Nga về lệnh cấm.
Hồi cuối tháng 7-2013, Nga đã cấm nhập khẩu sản phẩm của Roshen, nhà sản xuất kẹo bánh lớn nhất của Ukraine, với lý do các mẫu sản phẩm được phân tích không đáp ứng các quy định vệ sinh. Cơ quan Bảo vệ quyền của người tiêu dùng Nga trước đó đã áp đặt một lệnh cấm đối với pho-mát Ukraine vì không đáp ứng tiêu chuẩn thực phẩm.
Không có Nga, kinh tế Ukraine đã sụp đổ
Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde hôm 2-4 nhận định nếu không có sự trợ giúp tài chính của Nga, nền kinh tế èo uột của Ukraine đã sụp đổ chứ không thể gắng gượng tới bây giờ.
Theo lời bà Lagarde, nền kinh tế của quốc gia Đông Âu này đã rơi bế tắc từ năm ngoái và may mắn thoát khỏi vực thẳm và ngược dòng "sống sót" nhờ nhận được dòng tiền cứu trợ từ Nga.
Tổng giám đốc Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde. Ảnh: RIA Novosti
“Nếu không có sự hỗ trợ từ Nga từ vài tháng trước, không rõ số phận của Ukraine đã trôi dạt về đâu” – nữ Tổng Giám đốc IMF nhấn mạnh trong một cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình US PBS.
Nga đã quyết định đầu tư khoản tiền khổng lồ 15 tỉ USD vào trái phiếu châu Âu của Ukraine cuối năm ngoái và đợt giải ngân đầu tiên là 3 tỉ USD trong tháng 12 vừa qua. Lúc bấy giờ, Moscow và Kiev cũng đạt được thỏa thuận giảm giá khí đốt cực kỳ có lợi cho Ukraine trong một nỗ lực nhằm giúp nước láng giềng khôi phục lại nền kinh tế “hom hem” của mình.
Tuy nhiên, gói tiền mặt bơm vào Ukraine đã đóng băng sau cuộc đảo chính xuất phát từ các cuộc biểu tình bạo lực hồi tháng 2 dẫn tới các đảng phái cực hữu giành được nhiều vị trí chủ chốt trong chính quyền mới. Ngoài ra, giá khí đốt bán cho Ukraine hiện đã tăng 80% so với thời quan hệ hai bên còn chưa rơi vào khủng hoảng.
Bà Lagarde cũng thừa nhận Ukraine đã bị tách khỏi thị trường tài chính quốc tế, đồng thời nhấn mạnh sự viện trợ của IMF cũng có cái giá của nó. Nghĩa là muốn nhận được gói hỗ trợ từ IMF, Ukraine sẽ phải đáp ứng được các điều kiện về cải cách nền kinh tế, bao gồm việc đưa ra những lựa chọn cực kỳ khó khăn.
“Đó là một nền kinh tế cần cải tổ và cần được chuyển đổi sâu sắc về chính sách tài chính, chính sách tiền tệ và các chính sách về năng lượng" - bà Lagarde khẳng định.
Hồi tuần trước, IMF tuyên bố đã ký một thỏa thuận mang tính ràng buộc với Ukraine. Theo đó, Kiev sẽ nhận được 14-18 tỉ USD khoản vay tín dụng để đổi lấy việc cải cách nền kinh tế rệu rã của nước này. Ukraine kỳ vọng sẽ nhận được tổng cộng 27 tỉ USD trong 2 năm tới.
McDonald nghỉ bán ở Crimea
Chi nhánh chuỗi cửa hàng bán thức ăn nhanh McDonald hoạt động ở Ukraine đã đóng cửa tạm thời các cửa hàng ở Simferopol, Sevastopol và Yalta (thuộc Crimea) vì các lý do sản xuất – công ty này cho biết hôm 4-4.
Phía công ty này cũng hy vọng đưa các cửa hàng nói trên trở lại hoạt động càng sớm càng tốt và sẵn sàng nhận nhân viên ở Crimea vào làm việc tại các cửa hàng ở Ukraine với mức lương không đổi. Ngoài ra, những nhân viên đồng ý tới Ukraine làm việc sẽ được hỗ trợ toàn bộ chi phí nhà ở trong 3 tháng đầu tiên.
Bình luận (0)