Tìm thấy mảnh vỡ bằng công nghệ tìm đầu đạn hạt nhân
Công ty GeoResonance, trụ sở tại thành phố Adelaide - Úc, cho biết mãnh vỡ nghi của chiếc máy bay mất tích MH370 được phát hiện tại Vịnh Bengal, cách vị trí tìm kiếm hiện tại ở miền Nam Ấn Độ Dương ngoài khơi thành phố Perth khoảng 5.000 km. Công ty này còn cho hay họ bắt đầu hoạt động tìm kiếm kể từ ngày 10-3. Ông Datuk Abdul Rahman Azharuddin, tổng giám đốc Cục Hàng không Dân dụng Malaysia, cho biết vẫn chưa nắm rõ thông tin về phát hiện nói trên. Ông cho biết: “Chúng tôi sẽ phải kiểm tra và xác minh thông tin này”.
Úc huy động tàu ngầm Blue-fin 21 quét hầu hết diện tích tìm kiếm nhưng chưa có kết quả khả quan. Ảnh: Reuters
GeoResonance đã tìm kiếm MH370 ở khu vực rộng 2 ngàn km vuông và sử dụng những hình ảnh có được từ vệ tinh và máy bay. Các nhà khoa học của công ty này dồn sự tập trung và khu vực phía bắc từ vị trí máy bay liên lạc lần cuối. Hơn 20 công nghệ đã được sử dụng để phân tích dữ liệu, bao gồm cả một lò phản ứng hạt nhân.
“Công nghệ chúng tôi sử dụng vốn được thiết kế để tìm kiếm đầu đạn hạt nhân và tàu ngầm. Đội tìm kiếm của chúng tôi ở Ukraine đã quyết định thử dùng công nghệ này” – phát ngôn viên công ty GeoResonance David Pope cho hay.
Theo lời ông Pope, GeoResonance đã so sánh kết quả với những hình ảnh chụp ngày 5-3, ba ngày trước khi MH370 mất tích và không thấy vật thể mới phát hiện tại địa điểm này.
“Mảnh vỡ này chưa có vào thời điểm trước khi MH370 mất tích. Chúng tôi chưa thể khẳng định chắn chắn đó là mảnh vỡ của MH370. Tuy nhiên, chúng tôi cảm thấy đây là đầu mối đáng theo đuổi” – ông David Pope nói.
Một phát ngôn viên khác của GeoResonance, ông Pavel Kursa cho biết một số chất hóa học và vật liệu thường sử dụng trên các chuyến bay thương mại cũng được phát hiện ở khu vực nói trên tại Vịnh Bengal.
“Chúng tôi đã xác định được các nguyên tố hóa học và và vật liệu từ Boeing 777 như nhôm, titan, đồng, hợp kim thép…” – ông Kursa cho biết trong tuyên bố trên kênh 7News của Úc.
Phi công Mỹ tìm thấy các mảnh vỡ nghi của MH370
Trong khi đó, một phi công người Mỹ cho rằng mình đã tìm thấy các mảnh vỡ nghi của MH370. Ông Michael Hoebel, 60 tuổi, sống tại New York, đã mất nhiều giờ để xem hàng ngàn bức ảnh vệ tinh trên mạng.
Sau khi nhìn thấy một mảnh vỡ trôi nổi ngoài khơi bờ biển phía Đông Bắc Malaysia và phía Tây Songkhla của Thái Lan, ông cho rằng nó hoàn toàn phù hợp với kích thước của chiếc máy bay mất tích. Ông Hoebel nói: “Tôi vô cùng ngạc nhiên vì tôi không thể tin rằng mình sẽ phát hiện ra điều này”.
Hình ảnh được cho là của MH370. Ảnh: Mirror
Ông nói thêm đã liên hệ với Hội đồng an toàn giao thông quốc gia Mỹ và Cục Điều tra Liên bang Mỹ nhưng không nhận được phản hồi. Hiện vẫn chưa có ai đồng ý với hình ảnh cũng như lời giải thích của ông Hoebel.
Vụ việc diễn ra ngay khi giới chức Úc lo ngại có thể sẽ không bao giờ tìm thấy chiếc máy bay này. Thủ tướng Úc Tony Abbott cho biết giai đoạn mới của việc tìm kiếm sẽ tập trung vào khu vực lớn hơn tại Ấn Độ Dương. Thủ tướng cũng nói thêm thiết bị tự hành dưới nước Bluefin-21 với bộ cảm biến tinh vi sẽ được ưu tiên trong hoạt động tìm kiếm mặc dù ông cũng thừa nhận rằng nó chưa bao giờ tìm thấy bất kỳ chiếc máy bay nào trước đây. Ông nói: “Chúng tôi sẽ làm tất cả mọi điều có thể và hợp lý để giải mã bí ẩn này”.
Ông Abbot lấy làm tiếc: “Chúng tôi vẫn đang rất bối rối và thất vọng vì đã không thể tìm thấy các mảnh vỡ dựa trên những thông tin phát hiện được”. Thủ tướng Úc cho hay sẽ mất từ 6-8 tháng để tìm kiếm trong khu vực mới có chiều dài và chiều rộng lần lượt là 700km và 80km với chi phí ước tính lên đến 60 triệu USD.
Giới chức Úc sẽ liên hệ với các công ty tư nhân để điều tới thêm nhiều thiết bị định vị vật thể dưới đáy biển để hỗ trợ công việc tìm kiếm. Theo ông Abbott, có thể sẽ mất vài tuần để đưa các thiết bị này đến và trong thời gian này Bluefin-21 vẫn tiếp tục tìm kiếm dưới đáy biển.
Cho đến nay, các quốc gia tham gia tìm kiếm MH370 đều tự chi trả cho hoạt động tìm kiếm của mình. Tuy nhiên ông Abbott cho biết Úc giờ đây sẽ tìm kiếm các khoản đóng góp từ những nước khác để trả tiền cho những thiết bị quét mới.
Bình luận (0)