Theo Reuters, đó là việc Trung Quốc thiếu các căn cứ ngoài khơi cũng như các bến cảng thân thiện để ghé vào.
Các chuyên gia quân sự khu vực đều gật đầu thừa nhận hải quân Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng, thể hiện qua 18 tàu chiến, các tàu tuần duyên, tàu phá băng Tuyết Long rầm rộ tham gia tìm kiếm máy bay của Malaysia Airlines.
Trung Quốc đang quyết tâm thách thức sự thống trị truyền thống của hải quân Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương. “Muốn vậy, Trung Quốc phải có những thỏa thuận về cảng như Mỹ từng làm. Tôi hơi ngạc nhiên là không có dấu hiệu cho thấy Trung Quốc bắt đầu thảo luận về việc này” – ông Ian Storey, chuyên gia an ninh tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore), nói.
Căn cứ quan trọng nhất nằm ở cực Nam Trung Quốc đặt tại đảo Hải Nam, cách nơi các tàu chiến nước này đang tìm kiếm MH370 đến 3.000 hải lý.
Ngược lại, Mỹ đã gầy dựng được một mạng lưới cảng trong khu vực - đặt tại Nhật, Guam và Diego Garcia. Ngoài ra, Mỹ có thỏa thuận cập cảng và sửa chữa với các nước có quan hệ thân thiện như Singapore và Malaysia.
Thật ra đạt được những thỏa thuận ra vào cảng của nước ngoài tương đối dễ dàng trong thời đại cần phối hợp cứu hộ nhân đạo hoặc tuần tra chung chống cướp biển như hiện nay. Nhưng trong trường hợp có căng thẳng hoặc xung đột lại khác.
Một nhà phân tích hải quân ở Bắc Kinh nhận định: “Nếu có xung đột giữa Trung Quốc và một đồng minh của Mỹ ở Đông Á thì khó có chuyện tàu Trung Quốc được cho vào cảng của Úc để nhận tiếp tế”.
Gần hơn, Trung Quốc chẳng có cảng nào để phòng thân ở Đông Nam Á, theo chuyên gia Richard Bitzinger tại Trường S. Rajaratnam (Singapore).
Ông Zha Daojiong, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Trường ĐH Bắc Kinh, cho hay hải quân Trung Quốc đã tăng cường các chuyến thăm hữu nghị đến các cảng ở châu Á lẫn Trung Đông và Địa Trung Hải trong những năm gần đây song chưa tiến hành thảo luận về việc ra vào cảng dài hạn.
Các chiến dịch ở xa hay hoạt động của nhóm tàu sân bay trong tương lai càng khiến nhiệm vụ của ngành hậu cần Trung Quốc thêm phức tạp.
Dù phương Tây và Ấn Độ cho rằng Bắc Kinh đang tạo dựng một “chuỗi hạt trai” bằng cách đầu tư các cảng dọc theo Ấn Độ Dương tại Pakistan, Sri Lanka, Bangladesh và Myanmar song theo các chuyên gia Trung Quốc, các cảng này không thể chuyển thành căn cứ quân sự.
Bất chấp tốc độ phát triển hải quân nhanh chóng, nhiều chuyên gia vẫn đánh giá Trung Quốc phải mất 10 năm hoặc hơn nữa mới đủ sức bảo vệ các tuyến hàng hải then chốt ở xa và vẫn phải “dựa dẫm” vào Mỹ trong việc đảm bảo an ninh cho các tuyến vận chuyển dầu như eo biển Hormuz.
Mở rộng tìm kiếm MH370
Tân Hoa Xã ngày 22-4 đưa tin trong 3 ngày tới, các tàu tìm kiếm của Trung Quốc và Úc sẽ mở rộng khu vực tìm kiếm máy bay mất tích lên 48.000 km2 ở cách bờ biển TP Perth - Úc 1.500km về phía Tây Bắc.
Đây là khu vực tàu Hải tuần 01 của Trung Quốc bắt được các tiếng "ping" ở tần số 37,5 MHz và tàu Ocean Shield của Úc bắt được tín hiệu siêu âm giống với tín hiệu do hộp đen máy bay phát ra.
Đã gần 50 ngày trôi qua nhưng tăm tích MH370 vẫn mờ mịt. Việc không tìm thấy mảnh vỡ nào ở Nam Ấn Độ Dương khiến đội tìm kiếm quốc tế nghi ngờ máy bay có thể không đâm xuống đây, theo lời 1 chuyên gia được tờ New Straits Times của Malaysia trích dẫn.
Thiết bị lặn tự hành Bluefin-21 dự kiến thực hiện chuyến lặn sâu thứ 10 trong ngày hôm nay. 9 lần lặn trước đó ở độ sâu ít nhất 4.500 m trong khoảng bán kính 10 km quanh khu vực mà người ta đã bắt được tín hiệu tương thích với tần số hộp đen không đem lại kết quả gì.
Trong ngày 23-4 có khoảng 10 máy bay quân sự và 12 tàu chiến tham gia tìm kiếm và con số này có thể giảm xuống trong những ngày sắp tới.
Bình luận (0)