Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan Fazilrabi Zahin khẳng định Taliban quan ngại về tình hình bất ổn ở Kazakhstan, bởi đây là "một đối tác kinh tế và một quốc gia láng giềng thân cận".
Bộ Ngoại giao Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan còn "hối thúc chính phủ lẫn người biểu tình Kazakhstan giải quyết vấn đề bằng đàm phán và biện pháp hòa bình để đưa đất nước trở lại trạng thái ổn định và yên bình".
Tuyên bố trên cũng được người phát ngôn cấp cao Taliban Abdul Qahar Balkhi chia sẻ trên mạng xã hội Twitter. Ông Balkhi còn nói thêm rằng "Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan xem an ninh và ổn định chính trị trong khu vực là yếu tố quan trọng đối với phát triển kinh tế, thương mại và thịnh vượng".
Xe cộ bị đốt cháy trong các cuộc biểu tình ở TP Almaty – Kazakhstan. Ảnh: Reuters
Thành viên cấp cao Taliban Al-Hanafi Wardak khẳng định những gì đang diễn ra ở Kazakhstan là "vấn đề nội bộ", đồng thời nhắc lại tuyên bố nêu trên của Bộ Ngoại giao Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan.
"Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan hy vọng hòa bình và ổn định cho khu vực. Chúng tôi lo ngại tình hình bất ổn gần đây ở Kazakhstan, trước hết vì nó không có lợi cho Kazakhstan và sau đó, nó cũng cản trở an ninh, phát triển, tăng trưởng kinh tế và các hoạt động thương mại trong khu vực" – ông Wardak nói, đồng thời khẳng định Nga và những quốc gia khác trong khu vực nên đóng một vai trò trong nỗ lực giải quyết bất ổn Kazakhstan bằng cách hỗ trợ các cuộc đàm phán của các lực lượng nội địa Kazakhstan.
Các cuộc biểu tình bạo lực tiếp tục nổ ra ở TP Almaty – Kazakhstan vào ngày 6-1. Cảnh sát ở Almaty cho biết họ đã đoạt mạng hàng chục đối tượng biểu tình quá khích từ đêm 5-1 đến rạng sáng 6-1. Giới chức Kazakhstan thông báo ít nhất 18 thành viên thuộc các lực lượng an ninh đã thiệt mạng.
Hơn 2.000 người đã bị bắt giữ trong các cuộc biểu tình ở Kazakhstan. Ảnh: Reuters
Theo Reuters, sau một đêm bạo loạn, hỏa hoạn đã xảy ra tại một dinh thự tổng thống và một văn phòng thị trưởng ở Almaty trong khi xe cộ bị đốt cháy rụi. Các lực lượng an ninh đã giành lại quyền kiểm soát sân bay chính của Almaty từ tay người biểu tình.
Cũng trong ngày 6-1, lực lượng lính dù Nga đã đến Kazakhstan để "bình ổn tình hình" ở quốc gia Trung Á này. Đây một phần của lực lượng gìn giữ hòa bình thuộc Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) được triển khai để hỗ trợ Kazakhstan dập tắt bất ổn.
Moscow không tiết lộ họ đã điều bao nhiêu binh sĩ và hiện chưa thể xác định liệu có binh sĩ nào của Nga tham gia vào nỗ lực vãn hồi an ninh hôm 6-1 hay không.
Kazakhstan rơi vào trạng thái bất ổn kể từ sau các cuộc biểu tình phản đối việc tăng giá nhiên liệu vào ngày đầu năm mới. Ảnh: Reuters
Tổng thư ký CSTO Stanislav Zas tiết lộ với hãng thông tấn RIA rằng tổng cộng khoảng 2.500 binh sĩ gìn giữ hòa bình sẽ được triển khai đến Kazakhstan và con số này có thể gia tăng nếu cần. Đây dự kiến sẽ là một sứ mệnh ngắn, kéo dài "vài ngày hoặc vài tuần", vị này khẳng định.
Trong khi đó, Mỹ thông báo đang xem xét những báo cáo liên quan đến động thái triển khai binh sĩ nêu trên, đồng thời nói thêm rằng họ có những câu hỏi xoay quanh việc liệu các lực lượng này có được mời đến Kazakhstan một cách hợp lệ hay không.
Kazakhstan rơi vào trạng thái bất ổn kể từ sau các cuộc biểu tình phản đối việc tăng giá nhiên liệu vào ngày đầu năm mới. Bạo loạn bùng lên vào ngày 5-1, khi đám đông biểu tình hô vang khẩu hiệu chống nhà lãnh đạo Nursultan Nazarbayev, xông vào và đốt cháy các tòa nhà công vụ ở Almaty và những thành phố khác.
Một người đàn ông đi qua một chiếc xe bị đốt ở TP Almaty – Kazakhstan. Ảnh: Reuters
Bình luận (0)