Mưa lũ nghiêm trọng đã tàn phá nhiều khu vực của Tây Âu, đặc biệt là Đức và Bỉ. Nhiều khu vực của Thụy Sĩ, Luxembourg và Hà Lan cũng bị ảnh hưởng. "Chuỗi cung ứng chắc chắn sẽ bị gián đoạn vì nhiều tuyến đường sắt đã bị hư hại nặng nề" - ông Tim Huxley, giám đốc điều hành của Công ty Mandarin Shipping (Hồng Kông), khẳng định.
Theo ông Huxley, với việc những tập đoàn như Thyssenkrupp (gã khổng lồ thép của Đức) không thể tiếp nhận nguyên liệu thô vì mưa lũ, nhiều ngành công nghiệp khác, bao gồm thiết bị gia dụng và động cơ, sẽ bị ảnh hưởng theo.
Trong khi đó, tình trạng gián đoạn do mưa lũ ở Hà Nam (Trung Quốc) thậm chí còn tồi tệ hơn do tỉnh này nằm giữa đất liền, ông Huxley khẳng định, đồng thời nhấn mạnh điều này chắc chắn sẽ gây tác động tiêu cực đến hoạt động vận chuyển, khiến giá cước vận chuyển gia tăng.
Tại TP London - Anh, đợt mưa lớn bất thường trong những ngày qua đã biến nhiều tuyến đường thành sông giữa lúc các ga tàu chìm trong biển nước, khiến giao thông hỗn loạn. Theo đài CNN, khi 2 bệnh viện ở vùng thủ đô của Anh buộc phải từ chối những bệnh nhân vì mưa lũ, đây là dấu hiệu cho thấy ngay cả một vài thành phố giàu nhất thế giới cũng chưa được chuẩn bị để đối phó với thời tiết cực đoan, vốn ngày càng phổ biến và khắc nghiệt vì biến đổi khí hậu.
Đường sá ngập lụt vì mưa lớn ở TP Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) ngày 25-7 Ảnh: REUTERS
Giới chuyên gia thời tiết và cơ sở hạ tầng nhiều năm qua cảnh báo London, cũng như nhiều thành phố lớn khác, chưa sẵn sàng cho biến đổi khí hậu, với phần lớn thành phố nằm ở vùng đồng bằng dễ ngập lụt và hệ thống thoát nước lỗi thời, không thể giải quyết những đợt mưa lớn bất thường đang ngày càng phổ biến vì nhiệt độ gia tăng.
"Thật đáng lo ngại khi chứng kiến khoa cấp cứu của các bệnh viện phải đóng cửa vì mưa lũ. Phải làm gì đó để bảo đảm cơ sở hạ tầng quan trọng không gặp rủi ro" - chuyên gia địa lý và môi trường Liz Stephens của Trường ĐH Reading (Anh) khẳng định.
Tháng trước, Ủy ban Biến đổi khí hậu Anh (CCC) cũng đã cảnh báo rằng quốc gia của họ chưa sẵn sàng ứng phó với những rủi ro khí hậu khi "hành động thích ứng không theo kịp thực tế ngày một tồi tệ".
Giới chuyên gia cho biết vùng thành thị đối mặt với nguy cơ lũ quét cao hơn vùng nông thôn, vì các bề mặt được bao phủ bởi bê-tông không thể hấp thụ nước. Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA) cho biết Paris (Pháp), Thessaloniki (Hy Lạp), Bucharest (Romania) và Barcelona (Tây Ban Nha) là những thành phố thuộc nhóm có hơn 75% bề mặt "bị bịt kín", đồng nghĩa đối mặt rủi ro ngập lụt cao hơn.
Trong khi đó, theo số liệu mới nhất từ Cơ quan Quản lý Thiên tai, Cứu trợ và Phục hồi (DMRR) của Maharashtra - Ấn Độ, ít nhất 180 cư dân bang này đã thiệt mạng vì mưa lũ lớn bất thường kể từ ngày 22-7. Lực lượng Ứng phó Thảm họa quốc gia, lục quân, hải quân, không quân Ấn Độ… cùng giới chức Maharashtra đều đã được triển khai để hỗ trợ công tác cứu hộ nơi đây và đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 200.000 cư dân bang này được sơ tán.
Bình luận (0)