Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman ngày 24-3 tuyên bố chính phủ nước ông không thể giữ mãi lập trường trung lập trong vấn đề biển Đông do là một bên liên quan trực tiếp đến những tranh chấp lãnh thổ ở đó.
Không đánh đổi chủ quyền
Ông Anifah cũng nhấn mạnh lập trường của Malaysia trong tranh chấp ở biển Đông luôn kiên định và rõ ràng: Tuân thủ luật pháp quốc tế như Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Theo quan chức này, cách tốt nhất để giải quyết tranh chấp ở biển Đông là nỗ lực tìm giải pháp hòa bình thông qua đàm phán giữa các quốc gia có liên quan.
Không chỉ Malaysia mà cả Indonesia cũng thể hiện sự thay đổi lập trường về tình hình biển Đông, mới nhất là đáp trả cứng rắn hơn đối với những hành vi sai trái của Trung Quốc. Bộ trưởng An ninh Indonesia Luhut Pandjaitan hôm 23-3 bác bỏ yêu cầu thả 8 ngư dân Trung Quốc bị bắt vì đánh bắt trái phép ngoài khơi quần đảo Natuna 4 ngày trước đó.
Không những thế, Jakarta còn cáo buộc Bắc Kinh leo thang căng thẳng trong khu vực khi cho tàu hải cảnh giải cứu tàu cá liên quan đến vụ việc, đồng thời khẳng định 8 người trên sẽ bị truy tố. Trong khi đó, quan chức Indonesia phụ trách an ninh hàng hải Arif Havas Oegroseno nói rằng việc Trung Quốc tuyên bố tàu cá trên hoạt động tại ngư trường truyền thống không được UNCLOS 1982 công nhận.
Ông Pandjaitan nói thêm Indonesia sẽ không “đánh đổi chủ quyền” lấy mối quan hệ với Trung Quốc. Đặc biệt, trang Bloomberg tiết lộ tin hậu trường cho hay vài giờ sau khi biết vụ đụng độ giữa tàu hải cảnh Trung Quốc và tàu tuần tra Indonesia, một nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc đã gọi điện cho một quan chức chính phủ Indonesia để thuyết phục không công khai vụ việc vì “sau hết, chúng ta vẫn là bạn”.
Tuy nhiên, nhà chức trách Indonesia bỏ ngoài tai và tổ chức một cuộc họp báo để phàn nàn về hành động “khiêu khích nghiêm trọng” của Trung Quốc. Để đối phó với một Bắc Kinh ngày càng hung hăng trên biển Đông, Bộ trưởng Pandjaitan cho biết Indonesia sẽ triển khai thêm binh sĩ, tàu tuần tra được trang bị tốt hơn đến quần đảo Natuna, đồng thời cải thiện sức mạnh phòng thủ của căn cứ hải quân ở đó.
Tàu ngầm USS Ohio của Mỹ Ảnh: HẢI QUÂN MỸ
Trung Quốc “nóng mặt”
Lo ngại yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở biển Đông, chính phủ Philippines hôm 23-3 thông báo thành lập một đơn vị đặc nhiệm để điều phối, củng cố chính sách và hành động của các cơ quan khác nhau để xử lý tình hình vùng biển này. Trước đó một ngày, Manila chào đón tàu ngầm USS Ohio của Mỹ. USS Ohio là tàu ngầm Mỹ thứ 2 cập cảng ở vịnh Subic và là tàu chiến thứ 6 của Mỹ thăm Philippines trong tháng này.
Trung Quốc vào đầu tuần này chỉ trích việc Philippines cho phép Mỹ triển khai lực lượng tại 5 căn cứ. “Sự hợp tác Mỹ - Philippines không nên nhằm vào các bên thứ ba, đe dọa chủ quyền hoặc lợi ích an ninh của những nước khác hoặc hòa bình và sự ổn định trong khu vực” - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh lớn tiếng kêu gọi. Để củng cố cho lập luận này, Tân Hoa Xã dẫn lời giáo sư Hàn Húc Đông thuộc Trường ĐH Quốc phòng Trung Quốc, cho rằng kế hoạch triển khai quân nói trên chứng tỏ Mỹ đang củng cố chiến lược tái cân bằng ở châu Á - Thái Bình Dương, từ đó có thể gây ra làn sóng hỗn loạn mới đối với an ninh khu vực.
Sự phản ứng của Trung Quốc là điều dễ hiểu bởi 5 căn cứ đều có vị trí chiến lược. Trong đó, đặc biệt hàng đầu phải kể tới căn cứ Antonio Bautista trên đảo Palawan, chỉ cách quần đảo Trường Sa (của Việt Nam) 160 km và có đường băng dài khoảng 2,7 km. Các chuyên gia Trung Quốc lo ngại từ căn cứ trên, Mỹ có thể triển khai từ máy bay ném bom chiến lược, máy bay tuần tra chống tàu ngầm đến máy bay chở dầu và máy bay chiến đấu, qua đó tăng cường ưu thế trên biển Đông.
Đài Loan leo thang căng thẳng
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình hôm 24-3 khẳng định việc Đài Loan đưa phóng viên ra đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa là xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, không có lợi cho việc duy trì hòa bình, ổn định ở biển Đông cũng như quan hệ hai bên. “Chúng tôi kiên quyết phản đối và yêu cầu phía Đài Loan tôn trọng chủ quyền Việt Nam, không tái diễn bất cứ hành động nào làm leo thang căng thẳng, phức tạp thêm tình hình biển Đông” - ông Bình nhấn mạnh. Trước đó, ngày 23-3, Đài Loan đưa trái phép một đoàn gồm 20 phóng viên nước ngoài tới Ba Bình bằng máy bay vận tải quân sự C-130.
Dương Ngọc
Năm “giông bão” trên biển Đông
Báo The Christian Science Monitor hôm 24-3 dẫn nhận định của ông Gregory Poling, Giám đốc Quỹ Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS), cho rằng những diễn biến dồn dập trên biển Đông trong tuần qua đang làm nổi lên xu hướng chủ đạo trong năm “giông bão” này trong khu vực.
Theo chuyên gia trên, những sự kiện lớn liên quan đến biển Đông trong năm nay là phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế tại The Hague (Hà Lan) - dự kiến đưa ra vào tháng 5 - về vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở biển Đông; Bắc Kinh hoàn tất các công trình trái phép phục vụ cả mục đích quân sự lẫn dân sự trên quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam). Hiện khó có thể biết được Trung Quốc sẽ ứng xử ra sao với phán quyết củaTòa Trọng tài Quốc tế. Tuy nhiên, việc Bắc Kinh ngang ngược quân sự hóa biển Đông rõ ràng sẽ giúp nước này gia tăng đáng kể sức mạnh tại vùng biển nóng bỏng. Và nạn nhân trực tiếp nhất chính là hải quân, cảnh sát biển và tàu dân sự của các quốc gia Đông Nam Á.
Trung Quốc đang ráo riết lắp đặt hệ thống radar tinh vi trên quần đảo Trường Sa, triển khai tên lửa di động đất đối không HQ-9 trên quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) và có thể cải tạo đất tại bãi cạn Scarborough đang tranh chấp với Philippines. Theo ông Poling, những động thái này sẽ đặt nền móng cho một “tam giác chiến lược”, cho phép Trung Quốc thúc đẩy tham vọng thống trị khu vực, như có thể đơn phương tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) phi pháp.
Chuyên gia Mira Rapp-Hooper thuộc Trung tâm An ninh Mỹ Mới nhận định dù cán cân quân sự trong khu vực đang nghiêng về Trung Quốc nhưng tình hình chính trị lại ủng hộ Mỹ. Ngoài ra, Washington cũng đang nỗ lực trợ giúp các nước Đông Nam Á cải thiện năng lực an ninh hàng hải và có được khả năng quân sự đủ mạnh để khiến Bắc Kinh phải do dự trước khi vượt qua nhiều lằn ranh nguy hiểm.
Thu Hằng
Bình luận (0)