Mỹ và đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ đang rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng. Quan hệ giữa hai bên thường căng thẳng nhưng nhìn chung, họ vẫn giữ những bất đồng trong giới hạn chấp nhận được. Điều đó giờ đây không còn nữa.
Phần lớn trách nhiệm bị dồn lên Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan - người đang tiến hành một chính sách đối ngoại khiến tất cả đồng minh truyền thống và hầu hết láng giềng xa lánh. Trong một bài viết trên báo The New York Times gần đây, ông Erdogan đưa ra danh sách dài những bất bình của nước này với Mỹ. Danh sách tương tự của Mỹ cũng dài không kém.
Trên bình diện quốc tế, ông Erdogan đảm nhận vai trò thường xuyên thách thức lợi ích của Mỹ. Thổ Nhĩ Kỳ đang tăng cường quan hệ với Iran, trong đó có việc hỗ trợ phá vỡ các biện pháp trừng phạt của Washington nhằm vào Tehran; trợ giúp các phong trào thánh chiến ở Syria, bao gồm một số nhóm liên hệ với al-Qaeda; quan hệ gần gũi với phong trào Hamas của Palestine, giúp đỡ các phần tử Hồi giáo cực đoan ở Libya và hơn cả là cải thiện quan hệ với Nga.
Bên cạnh đó, ông Erdogan cho bắt giữ công dân nước ngoài và nhân viên lãnh sự để dùng làm đòn bẩy chính trị - bị nhiều người gọi là "ngoại giao con tin". Đồng minh đôi khi có những khác biệt và bất đồng. Những vấn đề nói trên lại cho thấy điều gì đó hoàn toàn khác: Một đồng minh cũng có thể là một đối thủ chiến lược.
Tuy nhiên, cũng có những lý do chính đáng để Mỹ uốn nắn lại mối quan hệ này. Việc bị Washington tuyệt giao chưa chắc sẽ cải thiện bất cứ hành vi nào nêu trên của Ankara. Hơn nữa, vị trí của Thổ Nhĩ Kỳ trong hàng ngũ NATO - Ankara không thể bị "tống" khỏi tổ chức này nhưng có thể tự rời đi sẽ tiếp tục là vấn đề khó xử lý. Điều đó có lẽ giải thích lý do Moscow ra sức lôi kéo Ankara xa rời Washington.
Thêm nữa, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn giữ vai trò đáng kể trong nhiều hoạt động của NATO và là một đối tác trong các chương trình vũ khí quan trọng. Ở cấp độ cơ bản hơn, đó là đất nước rộng lớn trong một khu vực quan trọng. Một Thổ Nhĩ Kỳ ổn định và thành công về kinh tế có lợi cho mọi người.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở Brussels - Bỉ vào tháng 7. Ảnh: REUTERS
Đối mặt với những thực tế đó, giới chức Mỹ đã nỗ lực dàn xếp bất đồng và đưa quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ trở lại quỹ đạo, chủ yếu thông qua dỗ dành hòa dịu và những cam kết thầm kín. Chính sách cứng rắn của chính quyền Tổng thống Trump mới bắt đầu trong tháng này là một thay đổi đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, chính sách này đến quá trễ và được triển khai vụng về.
Các vấn đề chiến lược lẽ ra có thể giải quyết dễ dàng hơn nếu Mỹ có lập trường mạnh mẽ hơn đối với những hành động vi phạm rõ ràng các tiêu chuẩn quan hệ quốc tế. Khi các nhân viên an ninh của ông Erdogan tấn công các nhà báo và người biểu tình ôn hòa ở Washington năm 2016, hầu như không gợn lên làn sóng phản đối nào.
Năm 2017, lực lượng an ninh của nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ tái diễn hành động đó trong một vụ tấn công đẫm máu hơn. Lần này, quốc hội Mỹ ít nhất cũng có một số hành động tượng trưng và Bộ Ngoại giao lên tiếng phản đối. Một số đối tượng bị cáo buộc nhưng rồi lại được xí xóa hồi tháng 3 trước thềm chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ lúc bấy giờ là ông Rex Tillerson tới Thổ Nhĩ Kỳ. Quyết định đó đã nêu bật chính sách nhân nhượng thất bại của cả chính quyền ông Barack Obama và ông Trump.
Tổng thống Trump vẫn hay tỏ ra thân thiện công khai với ông Erdogan. Nhiều người hẳn từng xem đó là dấu hiệu họ có thể gắn kết và tạo ra mối quan hệ mới nồng ấm hơn. Tuy nhiên, hy vọng tan tành sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ mục sư Mỹ Andrew Brunson - người đang đối mặt các cáo buộc khủng bố. Tổng thống Trump xoáy trọng tâm vào trường hợp của ông Brunson trong đàm phán với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ, thúc ép Ankara phải thả người này.
Việc ông Trump coi trọng số phận của mục sư Brunson không có gì bất ngờ bởi đây là vụ việc gây chú ý đáng kể trong cộng đồng những người theo đạo Tin Lành - một bộ phận quan trọng trong nhóm cử tri ủng hộ nhà lãnh đạo Mỹ.
Tuy nhiên, sự tập trung này đã làm suy yếu vị thế của Mỹ. Đầu tiên, nó dường như bỏ qua những tù nhân Mỹ (đang bị giam ở Thổ Nhĩ Kỳ) đáng được đối xử công bằng khác. Thứ hai, nó củng cố niềm tin của ông Erdogan rằng Mỹ không đặc biệt quan tâm tới pháp trị và rằng chính sách Trung Đông của Mỹ được định hình bởi sự xem thường người Hồi giáo. Thứ ba và cũng là điểm quan trọng nhất, nó gợi mở cho Tổng thống Erdogan rằng ông có trong tay một con tin giá trị ghê gớm.
Chính quyền của ông Trump dàn xếp những sai lầm này bằng nỗ lực đàm phán một thỏa thuận để trả tự do cho ông Brunson. Chi tiết đàm phán vẫn còn bí ẩn nhưng dường như giới chức Nhà Trắng hy vọng sẽ đạt được mục đích bằng cách giải thoát một công dân Thổ Nhĩ Kỳ bị bắt giữ ở Israel và phóng thích sớm ông chủ ngân hàng Hakan Atilla của Thổ Nhĩ Kỳ bị giam ở Mỹ vì vi phạm lệnh trừng phạt Iran.
Thỏa thuận này cuối cùng dường như đã thất bại bởi ông Trump hết chịu nổi sau khi ông Erdogan muốn Washington nhượng bộ nhiều hơn. Việc chọn thuế quan làm phương tiện chính để trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ được cho là quyết định chưa thấu đáo của Mỹ. Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đang bên bờ khủng hoảng và biện pháp trừng phạt của ông Trump khiến tình hình thêm tồi tệ, cho phép ông Erdogan đổ lỗi Mỹ gây ra cơn hỗn loạn này.
Trong ngoại giao, cây gậy cũng như củ cà rốt là một công cụ hữu dụng nếu chúng đem lại kết quả có lợi cho nước nhà. Nhà Trắng đã rơi vào một cuộc hôn nhân không hạnh phúc và hướng tới một cuộc ly hôn giận dữ và bất hạnh không kém (với Ankara).
Bình luận (0)