Trong bài diễn văn đặc biệt kéo dài 14 phút từ phòng bầu dục Nhà Trắng đêm 6-12 (giờ địa phương), Tổng thống Barack Obama một lần nữa cam đoan với toàn thể người dân Mỹ về kế hoạch chống khủng bố của ông.
Trấn an người dân
Tổng thống Obama nhấn mạnh mối đe dọa khủng bố đã chuyển sang giai đoạn mới khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng sử dụng internet để “đầu độc tư tưởng” những kẻ mang mầm mống tấn công, điển hình là vụ xả súng 4 ngày trước ở TP San Bernadino, bang California. “Mối đe dọa khủng bố là có thực nhưng chúng ta sẽ vượt qua nó. Chúng ta sẽ tiêu diệt IS và bất kỳ tổ chức nào khác cố làm hại chúng ta” - tổng thống Mỹ khẳng định.
Đề cập chiến lược chống IS trong thời gian tới, Tổng thống Obama nhấn mạnh những điều ông sẽ làm và không làm. Chẳng hạn, ông hứa hẹn săn lùng những kẻ chủ mưu khủng bố cho dù bọn chúng ở bất kỳ nơi nào nhưng sẽ không triển khai bộ binh tới Iraq và Syria. Thay vào đó, Mỹ sẽ tiếp tục huấn luyện và cung cấp trang thiết bị cho quân đội Iraq cùng lực lượng nổi dậy Syria, đồng thời tăng cường phối hợp với đồng minh để chặn các âm mưu khủng bố, cắt đứt nguồn tài chính và ngăn chặn IS tuyển mộ thêm chiến binh.
“Chúng ta sẽ chiến thắng bằng một chiến dịch mạnh mẽ, thông minh, kiên cường và không ngơi nghỉ” - ông chủ Nhà Trắng khẳng định. Đặc biệt, ông kêu gọi thắt chặt kiểm soát súng đạn, coi đây là phương cách quan trọng để chống IS, cụ thể là cấm những ai có tên trong “danh sách cấm bay” được phép mua vũ khí.
Bài phát biểu của ông Obama không làm các đối thủ Cộng hòa hài lòng, với lời chê bai ông đang làm suy yếu sức mạnh quân sự của Mỹ. Dư luận Mỹ có vẻ cũng không ủng hộ tổng thống của mình. Khảo sát công bố hôm 6-12 của đài CNN/Công ty ORC cho thấy 60% người được hỏi không đồng tình với cách chống khủng bố của ông Obama và 53% cho rằng chính quyền nên triển khai bộ binh tới Syria và Iraq để tiêu diệt IS.
Nga mở rộng hoạt động ở Syria
Trong bài phát biểu, ông Obama cảnh báo những tuyên bố đậm mùi chống Hồi giáo xuất hiện bên phía Đảng Cộng hòa gần đây sẽ bị IS lợi dụng. “Nếu muốn đánh bại chủ nghĩa khủng bố, chúng ta phải xem các cộng đồng Hồi giáo là đồng minh mạnh nhất, hơn là đẩy họ ra xa bằng sự nghi ngờ và ghét bỏ” - Reuters trích lời Tổng thống Obama.
Đáng chú ý, ông chủ Nhà Trắng đã không đả động gì đến Nga mặc dù Moscow đang có vai trò đáng kể trong cuộc chiến chống IS ở Syria. Nguồn tin quân sự Nga tiết lộ với báo Kommersant rằng không quân nước này ở Syria đã bắt đầu sử dụng thêm 2 căn cứ mới bên cạnh căn cứ không quân Khmeimim ở Latakia. Cụ thể, các căn cứ Shairat ở Homs và Al-Tayas ở Palmyra được sử dụng để nạp đạn và tiếp nhiên liệu cho các chiến đấu cơ Nga.
Nguồn tin khẳng định nếu cần, Nga có quyền sử dụng bất cứ cơ sở nào ở Syria. Báo Kuwait Al-Rai nhận định nếu đúng thế, Nga có thể tăng số máy bay tham chiến ở Syria từ hơn 50 chiếc hiện nay lên 100 chiếc. Bộ Quốc phòng Nga cũng như Điện Kremlin vẫn chưa bình luận gì về thông tin trên.
Trong khi đó, ông Jahara Matisek, người huấn luyện phi công thuộc không lực Mỹ, viết trên website Defense One rằng các chuyên gia Nga có thể đã nắm được bí mật quân sự và chiến thuật của Mỹ và đồng minh ở Syria. Theo ông, phía Nga có thể sử dụng dữ liệu thu thập được để hoàn thiện các thuật toán theo dõi máy bay cũng như nâng cao hiệu quả của hệ thống phòng không. Chuyên gia này cho rằng Mỹ nên ngừng sử dụng máy bay tàng hình F-22 ở Syria bởi Nga đặc biệt quan tâm tới nó.
Trong một diễn biến khác, Bộ Ngoại giao Syria ngày 7-12 lên án việc liên quân do Mỹ đứng đầu oanh kích một doanh trại quân đội của Syria ở tỉnh Deir al Zor 1 ngày trước khiến 3 binh sĩ nước này thiệt mạng và 13 người khác bị thương. Phía Mỹ sau đó bác bỏ cáo buộc này.
Dân Mỹ đổ xô mua súng
Nhiều người Mỹ bắt đầu mua thêm vũ khí sau vụ thảm sát tại TP San Bernardino hôm 2-12. Theo Reuters, các nhà bán lẻ súng cho biết doanh số tăng vọt vì khách hàng muốn có vũ khí để phòng thân. “Người ta nhận thức rõ hơn về sự cần thiết phải bảo vệ bản thân” - ông Ray Peters, quản lý của công ty bán vũ khí và két sắt Range, Guns & Safes ở TP Atlanta, cho biết. Ông này thường mang theo súng lục nhưng hiện giờ trang bị thêm súng trường bán tự động.
Đáng chú ý là doanh số bán súng tại Mỹ trong năm nay tăng ngay cả trước vụ thảm sát San Bernardino. Theo thống kê, 185.345 người mua súng (đã được Cục Điều tra Liên bang Mỹ kiểm tra nhân thân) trong ngày “Thứ sáu đen tối” 27-11 vừa qua, tăng 5,5% so cùng kỳ năm ngoái. Trong lúc Mỹ tiếp tục chia rẽ về quyền sở hữu súng, Trung tâm Nghiên cứu Pew (Mỹ) cho biết 57% người Mỹ hồi tháng 12 năm ngoái cho rằng việc có súng trong tay giúp bảo vệ họ trước tội phạm, cao hơn mức 48% cách đó 2 năm. Quan điểm của những người này là “chính con người, không phải súng đạn, mới gây tội ác”. Trái lại, dữ liệu của tổ chức Chiến dịch Brady ngăn chặn bạo lực súng đạn nêu rõ: Bình quân 89 người/ngày và 32.514 người/năm thiệt mạng vì súng đạn ở Mỹ.
Xuân Mai
Bình luận (0)