Nội dung tập trận bắn đạn thật với robot nói trên nằm trong khuôn khổ của cuộc tập trận thường niên có tên gọi Tác chiến phương Bắc, diễn ra vào tháng 7 và tháng 8 năm ngoái, tại Trại lính Grayling ở bang Michigan – Mỹ.
Đây là lần đầu tiên quân đội Mỹ tiến hành tập trận với xe thiết giáp M113 không người lái, được trang bị súng máy, và họ đã lên kế hoạch tiến hành nhiều cuộc tập trận tương tự với quy mô lớn hơn trong vài năm tới.
Xe thiết giáp M113 không người lái tham gia tập trận với binh sĩ Mỹ. Ảnh: Defense One
Ông Paul Rogers, giám đốc Trung tâm Kỹ thuật và Nghiên cứu Phát triển Xe tăng Tự động (TARDEC), khẳng định giới chức quân đội Mỹ đã đề xuất tiến hành các cuộc tập trận tương tự với những robot được trang bị vũ khí "khủng" hơn.
Cuộc tập trận nêu trên là một bước quan trọng trong việc tìm hiểu khả năng phối hợp tác chiến giữa binh lính và robot tại các doanh trại gần nhau, theo trang tin Defense One.
Nội dung tập trận bắn đạn thật với robot vũ trang nằm trong khuôn khổ tập trận Tác chiến phương Bắc 2017. Ảnh: DVIDS
Mặc dù đây là lần đầu tiên quân đội Mỹ tập trận bắn đạn thật với robot được trang bị vũ khí nhưng đây không phải là lần đầu tiên robot vũ trang được triển khai chiến đấu cùng với binh sĩ Mỹ. Ngay sau khi đưa quân sang Iraq vào năm 2003, quân đội Mỹ đã triển khai một robot xe tăng mini có tên gọi SWORDS (Hệ thống Trinh sát Phát hiện Giám sát Vũ khí Đặc biệt).
Đến năm 2007, SWORDS được trang bị súng máy M249 và bắt đầu săn lùng trên các tuyến phố. Tuy nhiên, robot này đã bị ngưng sử dụng sau khi nó bắt đầu hành xử một cách khó đoán, chẳng hạn như chĩa súng loạn xạ.
Kể từ đó, một số ít robot được triển khai đến Iraq và Syria. Năm 2016, Mỹ sử dụng xe tăng điều khiển từ xa trong chiến dịch chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Giới chức quân đội Mỹ đã đề xuất tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật với những robot được trang bị vũ khí "khủng" hơn trong tương lai. Ảnh: DVIDS
Đây được xem là một động lực lớn thúc đẩy các công ty phát triển vũ khí chế tạo và thử nghiệm robot trên chiến trường.
"Hãy nhìn vào những gì mà chúng ta đã học được trong suốt chiến tranh Afghanistan và chiến tranh Iraq. Khi bạn tham gia cuộc chiến, bạn học được rất nhiều điều" – ông Rogers chia sẻ, ám chỉ mức độ cải thiện khả năng sử dụng máy bay không người lái trong những cuộc xung đột này của quân đội Mỹ.
Hiện tại, ông Rogers vẫn chưa thể xác định được thời điểm Mỹ bắt đầu triển khai robot vũ trang chiến đấu trên mặt đất, giải thích rằng nó phụ thuộc vào quá trình thử nghiệm và khả năng vận hành của chúng.
"Chúng tôi vẫn đang trong hành trình khám phá. Đó là thử nghiệm, đánh giá, phản hồi, giải quyết những lo ngại, thách thức và giới hạn. Chúng tôi phải lặp đi lặp lại như thế" – ông Rogers cho biết, đồng thời hé lộ rằng quân đội Mỹ đang trong giai đoạn "thử nghiệm".
Ông Paul Rogers. Ảnh: Twitter
Liệu robot vũ trang đã an toàn hơn trước hay chưa? Ông Rogers khẳng định chúng cũng an toàn như những khí tài quân sự khác…trong chiến tranh.
Điều quan trọng nhất là, nhằm tuân theo chính sách của Bộ Quốc phòng, con người vẫn là những người đưa ra quyết định giết chóc, không phải robot – ông Rogers nhấn mạnh.
"Robot không khai hỏa cho đến khi người điều khiển nó cho phép. Nhiệm vụ của robot là phát hiện mục tiêu, chia sẻ thông tin mục tiêu và chờ lệnh khai hỏa. Con người nắm quyền kiểm soát. Nó không khác biệt hoàn toàn so với việc bạn ngồi trong một chiếc xe chiến đấu bộ binh Bradley được trang bị một khẩu súng điều khiển từ xa" – ông Rogers giải thích.
Clip binh sĩ Mỹ tập trận bắn đạn thật với robot vũ trang. Nguồn: YouTube
Bình luận (0)