Cuộc tranh luận lần hai được kỳ vọng giữa 2 ứng viên Hillary Clinton và Donald Trump đã trở thành màn công kích cá nhân cay độc và “bẩn thỉu” (theo mô tả của đài CNN) khiến cử tri Mỹ không khỏi ngán ngẩm về hướng đi sắp tới của chính trường đất nước.
Ra đòn tới tấp
Màn đấu khẩu tại Trường ĐH Washington ở TP St. Louis, bang Missouri tối 9-10 (giờ địa phương) khởi đầu trong lạnh giá khi 2 ứng viên không bắt tay như truyền thống. Rất nhanh chóng, tỉ phú Trump, ứng viên tổng thống Đảng Cộng hòa (GOP), tung ra một loạt đòn tấn công với hy vọng cứu vớt chiến dịch tranh cử sau khi một đoạn video quay năm 2005 bị rò rỉ cho thấy ông khoe khoang về chuyện tấn công tình dục phụ nữ.
Trước sự hiện diện của chồng, con của bà Clinton, ông Trump không ngại ngần tố cáo cựu Tổng thống Bill Clinton lạm dụng hàng loạt phụ nữ. Để tăng thêm sức nặng cho cáo buộc này, ông Trump bất ngờ xuất hiện cùng với một số phụ nữ tự xưng là nạn nhân các vụ cưỡng hiếp, tấn công tình dục của ông Clinton tại cuộc họp báo trước thềm tranh luận. Dù lên tiếng xin lỗi về đoạn video nhưng ông Trump biện hộ đó chỉ là “chuyện nói đùa trong phòng thay đồ”.
Trong lúc những diễn biến trên có thể không gây quá nhiều ngạc nhiên thì thời điểm gây sốc nhất của cuộc tranh luận đến từ lời đe dọa “chưa từng có tiền lệ” của ông Trump về việc cho điều tra và tống giam đối thủ vì bê bối email nếu thắng cử. Theo đài NBC News, một tổng thống Mỹ thường không có quyền ra lệnh mở cuộc điều tra hình sự nhằm vào cá nhân, nói chi người đó lại là đối thủ chính trị của mình.
Đáng ngạc nhiên không kém, “phó tướng” Mike Pence, thống đốc bang Indiana, cũng trở thành “bao cát” để ông Trump trút giận. Tỉ phú này nói thẳng ông không đồng tình với lời kêu gọi của ông Pence về việc có lập trường cứng rắn hơn với Nga và chế độ Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Ông cũng thừa nhận giữa hai người chưa có cuộc thảo luận nào về vai trò của Nga trong cuộc nội chiến Syria. Sự rạn nứt có thể càng tăng bởi ngay cả ông Pence cũng không chịu nổi những gì ông Trump đã nói trong đoạn video trên dù chưa đến mức nhảy khỏi “con tàu tranh cử đang chìm dần” như nhiều quan chức GOP khác.
Bước ngoặt “đen tối”
Tình hình Syria là một trong số ít vấn đề liên quan đến chính sách đối nội, đối ngoại được nhắc đến tại cuộc tranh luận, bên cạnh chuyện cải cách chăm sóc y tế, chính sách thuế… Cuộc tranh luận kéo dài 90 phút khép lại khá kỳ lạ khi 2 ứng viên buộc phải nêu một điểm tích cực về đối phương trước khi có cái bắt tay muộn màng. Tuy nhiên, như thế là quá ít để giúp bầu không khí cuộc khẩu chiến bớt “u ám”. Tờ The Washington Post nhận xét chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ vừa có “bước ngoặt đen tối” khi chứng kiến ông Trump mải mê cáo buộc nặng nề đối thủ. “Truyền thống thiêng liêng của một cuộc tranh luận tổng thống - nơi các ứng viên thường tranh cãi về tầm nhìn đối với tương lai quốc gia thay vì sỉ nhục nhau - đã trở thành một thứ gì gây ớn lạnh” - đài CNN phàn nàn. Giới phân tích có chung nhận định rằng những lời đả kích của ông Trump có thể khiến người ủng hộ trung thành phấn khích nhưng lại không giúp ích gì cho việc lôi kéo thêm cử tri.
Trang Bustle nhận định tương tự cuộc tranh luận đầu tiên, cuộc đấu tay đôi mới nhất cũng cho thấy kỹ năng tranh luận của ông Trump còn kém xa đối thủ Đảng Dân chủ. Công bằng mà nói, những công kích của ông Trump lần này tỏ ra mạch lạc và chủ động hơn. Dù vậy, khi được hỏi về một loạt phát biểu gây tranh cãi của mình, không có câu trả lời nào của ông Trump khiến người xem hài lòng. Trong khi đó, đài BBC đánh giá 2 ứng viên đã hòa nhau - một kết quả có thể chấp nhận được với bà Clinton dù không ít người ủng hộ tiếc nuối về thời cơ hạ “nốc ao” đối thủ vừa bị bỏ lỡ.
Bình luận (0)