Nhà chức trách Nepal vừa bác bỏ thông tin vách đá nổi tiếng "Hillary Step" - được xem là thử thách cuối cùng mà các nhà leo núi phải vượt qua nếu muốn chinh phục đỉnh Everest cao 8.850m nổi tiếng - đã sụp đổ. Trước đó, nhà leo núi kỳ cựu Tim Mosedale cho biết ông tận mắt chứng kiến điều đó trong chuyến thám hiểm hồi tuần rồi. Ông cho biết tất cả những gì còn lại là một số tảng đá (ước tính nặng vài tấn/khối) trở thành mối nguy hiểm tiềm tàng đối với các nhà leo núi trong thời gian tới.
Theo ông Mosedale, các tảng đá lớn khá nghiêng và bất kỳ ai cố leo lên đó có thể khiến nó di chuyển. "Vách đá có thể không ổn định và sẽ gây nguy hiểm đáng kể cho bất kỳ ai bên dưới. Do đó, tôi nghĩ đây là một khu vực cần tránh xa" - ông Mosedale nói với đài CNN. Tuy nhiên, ông Gyanendra Shrestha thuộc Bộ Du lịch Nepal và ông Ang Tshering Sherpa, Chủ tịch Hiệp hội Leo núi Nepal, cho rằng vách đá nói trên - được đặt tên theo tên của ông Edmund Hillary, người đầu tiên chinh phục nó năm 1953 - bị lớp tuyết dày đặc che phủ nên một số người nghĩ rằng nó đã sụp đổ.
Tranh cãi về vách đá Hillary Step xuất hiện giữa lúc mùa leo núi Everest năm nay đón nhận tin buồn dồn dập. Hôm 24-5, Reuters dẫn lời một số người dẫn đường leo núi địa phương cho biết đã phát hiện 4 thi thể tại trại số 4 ở độ cao 8.000 m của ngọn núi. Họ tìm thấy số thi thể này trong quá trình đưa thi thể nhà leo núi người Slovakia Vladimir Strba, người tử vong tại trại số 4 hôm 21-5, xuống núi.
Theo tờ Himalayan Times, 4 nạn nhân mới được tìm thấy gồm 2 người nước ngoài và 2 người Nepal nhưng chưa rõ danh tính. Ông Ang Tshering Sherpa cho rằng 4 người này có lẽ đã tự leo núi mà không có sự hướng dẫn của người dân địa phương và chết ngạt khi dùng lò sưởi trong lều.
Anh Ravi Kumar tử vong không lâu sau khi chinh phục đỉnh Everest hôm 20-5 Ảnh: Facebook
Những cái chết nói trên, nếu được nhà chức trách xác nhận, sẽ nâng tổng số người thiệt mạng từ đầu mùa leo núi đến giờ lên con số 10. Năm người thiệt mạng khác được xác định là Ravi Kumar (Ấn Độ), Roland Yearwood (Mỹ), Francesco Enrico Marchetti (Úc), Min Bahahur Sherchan (Nepal) và Ueli Steck (Thụy Sĩ).
Riêng 2 ông Marchetti và Yearwood tử vong cùng ngày với ông Strba. Trong số này, ông Yearwood, 50 tuổi, thiệt mạng gần đỉnh núi trong lúc ông Marchetti, 54 tuổi, chết ở độ cao 7.500 m khi đang xuống núi. Hôm 20-5, nhà leo núi Kumar, 27 tuổi, chinh phục được đỉnh Everest nhưng thiệt mạng vài giờ sau đó khi đang xuống núi.
Theo đài CNN, nhà chức trách Nepal đã cho phép 371 người leo núi Everest năm nay - con số cao kỷ lục kể từ khi ngọn núi này được chinh phục lần đầu tiên vào năm 1953. Ông Shrestha cho biết khoảng 250 người đã chinh phục thành công đỉnh Everest cho đến giờ. Còn tính từ năm 1953, theo hãng tin Reuters, khoảng 5.000 người đạt thành tích như thế nhưng vẫn có gần 300 người mất mạng vì đam mê nguy hiểm này.
Những nguyên nhân gây tử vong chính là kiệt sức, thời tiết khắc nghiệt, bị ngã… Tuy nhiên, trong những năm gần đây, "thủ phạm" lớn nhất lại là lở tuyết. Hồi năm 2015, 18 người thiệt mạng khi một trận động đất mạnh 7,8 độ Richter gây ra một số trận lở tuyết trên núi Everest.
Ông Shrestha nhận định có đến 90% người leo núi thiệt mạng trong lúc xuống núi, một phần vì không biết tiết kiệm sức sau khi chinh phục đỉnh Everest. "Họ cần kiểm soát năng lượng, lượng ôxy của mình hợp lý… Điều quan trọng không kém là cách họ tiết kiệm năng lượng để trở xuống các trại bên dưới. Hầu hết họ dồn toàn bộ sức lực để leo núi và không còn năng lượng để trở về" - ông Sherpa giải thích.
Mất mạng vì danh hiệu
Cái chết của nhà leo núi Min Bahadur Sherchan, 85 tuổi, thu hút sự chú ý của dư luận thời gian qua bởi ông gặp chuyện khi đang tìm cách giành lại danh hiệu Người cao tuổi nhất thế giới chinh phục đỉnh Everest. Ông Sherchan từng làm được điều này vào tháng 5-2008 khi 76 tuổi nhưng kỷ lục bị phá bởi một cụ ông người Nhật 80 tuổi năm 2013. Tuy nhiên, trong hành trình leo núi hôm 6-5, ông Sherchan đã qua đời vì đau tim.
Bình luận (0)