Ủy ban bầu cử cấp cao độc lập Iraq hôm 14-5 cho biết kết quả trên có được sau khi kiểm hơn 91% số phiếu tại 16/18 tỉnh. Khối chính trị của ông Sadr không tranh cử ở 2 tỉnh còn lại nhưng số phiếu này không ảnh hưởng đến vị trí dẫn đầu của họ.
Theo tính toán của Reuters, khối của ông Sadr đã giành khoảng 54 trong số 329 ghế tại quốc hội, so với 47 ghế của khối ông Hadi al-Amiri, thủ lĩnh lực lượng dân quân Shiite được Iran hậu thuẫn, và 42 ghế của khối Thủ tướng Haider al-Abadi, đồng minh hiếm hoi của cả Mỹ và Iran.
Giáo sĩ Sadr, 44 tuổi, đã đứng đầu 2 cuộc nổi dậy chống lại lực lượng Mỹ ở Iraq và là một trong số ít lãnh đạo người Shiite giữ khoảng cách với Iran. Ông không thể trở thành thủ tướng vì không ra tranh cử nhưng chiến thắng trên cho phép ông chọn ứng viên cho vị trí này dù bất kỳ đề cử nào cũng cần các khối chính trị khác thông qua. Ngoài ra, khối của ông Sadr phải thương thảo với những khối khác để lập chính phủ liên hiệp trong vòng 90 ngày sau khi có kết quả chính thức.
Những người ủng hộ giáo sĩ Moqtada al Sadr tại TP Najaf hôm 15-5 Ảnh: REUTERS
Vì thế, ngay cả khi đạt kết quả bầu cử không như mong đợi, ông Abadi vẫn có thể được quốc hội cho phép đảm nhận nhiệm kỳ thứ 2. Nhà lãnh đạo này hôm 14-5 kêu gọi mọi khối chính trị tôn trọng kết quả bầu cử, cũng như cho biết sẵn sàng làm việc với giáo sĩ Sadr về việc lập chính phủ mới "mạnh mẽ nhất và không có tham nhũng".
Giới phân tích cho rằng khối của giáo sĩ Sadr chiến thắng nhờ tận dụng được sự bất mãn của nhiều cử tri Iraq đối với tình trạng tham nhũng trong giới tinh hoa chính trị và sự can dự của Iran vào tình hình nước này.
Ngoài ra, thái độ thách thức của ông Sadr đối với cả Iran và Mỹ giúp ông được sự ủng hộ của hàng triệu người Shiite nghèo đang cảm thấy họ không hưởng lợi từ quan hệ gần gũi giữa chính phủ ông Abadi với cả hai nước này. Khối của ông Sadr muốn Iraq có một chính phủ gồm các nhà kỹ trị độc lập để chấm dứt nạn tham nhũng, trong lúc cam kết tập trung tái thiết hạ tầng, cung cấp y tế và giáo dục cho người nghèo.
Bình luận (0)