Lần đầu tiên Washington có một động thái được giới quân sự, đặc biệt là các chuyên gia chống khủng bố, coi là bất thường. Đây là một chiến dịch quân sự bí mật trên bộ, chính phủ Syria không được thông báo trước.
Bình thường, Mỹ giữ im lặng một thời gian khá lâu sau khi tiến hành một chiến dịch tương tự bởi tính nhạy cảm cao. Khi tuyên chiến với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS, còn gọi là ISIS hoặc ISIL) cách đây 10 tháng, chính quyền ông Obama thường nhấn mạnh rằng chỉ dùng không lực tiêu diệt địch chứ không sử dụng quân đội đánh trên bộ vì quốc hội Mỹ không cho phép, vì sợ thương vong - điều mà người Mỹ giờ đây rất kỵ. Vậy mà đích thân Tổng thống Obama lại bật đèn xanh cho Delta Force hành động.
Bắn chết chồng, bắt sống vợ
Cuộc đột kích diễn ra đêm 15 rạng sáng 16-5 vừa qua. Khoảng 20 lính Delta Force được trực thăng Black Hawk và V-22 Osprey chở từ Iraq đến tư dinh của Abu Sayyaf ở thị trấn al-Amr, tỉnh Deir al-Zor thuộc miền Đông Syria, nơi có nhiều giếng dầu.
Nhà của Sayyaf là 1 trong 50 căn nhà lầu 4 tầng nguyên là nơi ở của cán bộ, công nhân viên làm việc tại nhà máy dầu khí gần đó trước khi al-Amr rơi vào tay IS hồi tháng 7 năm ngoái. Nó được cấp cho lính IS và vợ con, tổng cộng khoảng 1.000 nhân khẩu.
Do mục tiêu được lực lượng hùng hậu lính IS bảo vệ, Mỹ phải chọn thời điểm tấn công hết sức kỹ càng. Sau mấy tuần theo dõi đối tượng bằng gián điệp trên không (vệ tinh do thám, máy bay không người lái) và trên bộ (ăng-ten của Cơ quan Tình báo trung ương - CIA và Bộ Quốc phòng), bao gồm cả những cuộc nghe lén điện thoại, đêm 15-5 được coi là “thời điểm vàng” bởi lúc đó, phần lớn quân IS tác chiến ở xa, chỉ còn một ít ở lại bảo vệ Abu Sayyaf.
Dù vậy, ngay sau khi đặt chân xuống đất, đặc nhiệm Mỹ đã gặp sự kháng cự mãnh liệt do Abu Sayyaf trực tiếp chỉ huy, có lúc phải đánh giáp lá cà. Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết IS dùng phụ nữ và trẻ em làm bia đỡ đạn nhưng binh lính Mỹ “bắn chính xác” nên thường dân an toàn, riêng IS chết khoảng 20 tên, trong đó có Abu Sayyaf.
Lính đặc nhiệm trở về Iraq đầy đủ, “không sứt mống nào” với chiến lợi phẩm là Umm Sayyaf, vợ Abu Sayyaf - người Iraq, cũng là một nhân vật cộm cán của IS. Umm được Mỹ mô tả là người xử lý những vụ việc liên quan đến con tin, nhất là con tin Mỹ.
Ngoài ra, đặc nhiệm Mỹ còn tịch thu laptop, điện thoại di động và tài liệu cá nhân của Abu Sayyaf. Mỹ hy vọng mớ tài liệu này sẽ cung cấp thông tin quý báu về sơ đồ tổ chức và phương thức hoạt động của IS.
Nghi vấn nội gián
Tuy nhanh nhảu như vậy nhưng Bộ Quốc phòng Mỹ vẫn giấu một số chi tiết trong chiến dịch được cho là thành công lớn về mặt chiến thuật. Theo Rami Abdel Rahmane, Giám đốc OSDH (một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại London - Anh, theo dõi nhân quyền ở Syria), ngoài Abu Sayyaf, lực lượng Delta Force còn tiêu diệt thêm 3 thủ lĩnh khác của IS, gồm: “bộ trưởng quốc phòng” Abu Omar al-Chichani (Abu Sayyaf là phụ tá của người này), “giám đốc truyền thông” Abu Mariam và một người nữa chưa rõ danh tính, chức vụ.
Al-Chichani là người Syria, còn Abu Sayyaf và 2 thủ lĩnh còn lại đều là người vùng Maghreb (bao gồm các nước Tunisia, Morocco và Algeria). Tổng cộng, có cả thảy 32 thành viên IS bị thiệt mạng trong cuộc đụng độ với đặc nhiệm Mỹ. Thông tin này chưa được Bộ Quốc phòng Mỹ xác nhận.
Đến nay, các trang web của IS chưa bình luận gì về cú đột kích nêu trên. Tuy nhiên, trong nội bộ râm ran mối nghi ngờ có nội gián. Hãng tin Reuters dẫn các nguồn tin thông thạo cho biết ban lãnh đạo IS đang cố tiêu hóa cú sốc và thề sẽ tìm ra tên nội gián dám bán đứng chiến hữu mình.
Reuters dẫn lời một chiến binh IS nặc danh ở Syria tiết lộ qua internet: “IS đang siết chặt các biện pháp tuyển mộ người mới và xây dựng đơn vị đặc nhiệm chuyên đối phó với những vụ đột kích trên bộ trong tương lai. Ban lãnh đạo cũng rút tỉa kinh nghiệm từ bài học khinh địch”.
Đáng chú ý là cuộc đột kích táo bạo diễn ra trong lúc quân IS tấn công Ramadi, thủ phủ tỉnh Anbar của Iraq. Hầu hết các nhà quân sự và chuyên gia chống khủng bố đều cho rằng việc công bố sớm chiến tích của Delta Force không ngoài ý đồ chiến tranh tâm lý.
Trung tướng Mark Hertling, cựu Tư lệnh lực lượng Mỹ ở châu Âu, nhận định: “Nếu cứ để chiến dịch tuyên truyền của IS tự tung tự tác thì chúng tiếp tục tuyển mộ dễ dàng lính mới, chất tiền đầy tủ sắt. Cuộc đột kích thành công khiến IS phải tính toán lại”.
Michael Pregent, sĩ quan Cục Quân báo Mỹ, cũng phân tích: “Cuộc đột kích cảnh báo rằng các thủ lĩnh cấp trung IS cũng là mục tiêu tấn công của Mỹ. Việc công bố sớm chắc chắn gây hoang mang trong hàng ngũ IS”. Theo Pregent, Nhà Trắng cũng nhằm khóa miệng phe đối lập thường rêu rao chính sách Obama thất bại trong việc kiềm chế IS.
Ba lần thất bại
Trước đây, Mỹ từng 3 lần đưa lính đặc nhiệm vào Syria và Yemen để giải cứu con tin nhưng đều thất bại. Lần thứ nhất, khoảng 20 lính đặc nhiệm Delta Force đột kích một nhà máy lọc dầu ở miền Bắc Syria hồi năm ngoái để giải cứu nhà báo James Foley bị IS bắt làm con tin. Sau khi đánh nhau dữ dội với IS, họ mới biết không có con tin nào trong nhà máy. Foley sau đó bị chặt đầu.
Lần thứ hai, ngày 25-12-2014, một toán đặc nhiệm Mỹ không rõ thuộc lực lượng nào đột nhập một hang núi gần biên giới Yemen - Ả Rập Saudi để giải cứu phóng viên ảnh Mỹ Luke Somers. Kết quả: Tiêu diệt được 7 tên IS, giải cứu 8 con tin nhưng không tìm thấy Somers. Vài ngày sau, đặc nhiệm Mỹ lại đột kích vào một ngôi làng ở Yemen và kết thúc trong bi kịch: Somers và một con tin Nam Phi tử trận giữa 2 làn đạn.
Kỳ tới: Abu Sayyaf - Kẻ bí ẩn
Bình luận (0)