Phiên họp dưới sự chủ trì của Giám đốc An ninh quốc gia Suh Hoon và với sự tham gia của các quan chức an ninh quốc gia hàng đầu khác, bao gồm bộ trưởng Ngoại giao, bộ trưởng Quốc phòng và bộ trưởng Thống nhất.
Theo Yonhap, cuộc họp đã phân tích thông điệp của nhà lãnh đạo CHDCND Kim Jong-un trong bài phát biểu tại cuộc duyệt binh của Triều Tiên ngày 10-10 và "nhấn mạnh các thỏa thuận liên Triều hiện có cần được tôn trọng để ngăn chặn một cuộc xung đột vũ trang tái diễn trên bán đảo".
Trong bài phát biểu tại cuộc duyệt binh ở Bình Nhưỡng nhân kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Đảng Lao động, nhà lãnh đạo Kim Jong-un cho biết Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục tăng cường khả năng răn đe hạt nhân, khi quân đội nước này phô diễn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mới và tên lửa đạn đạo phóng ngầm (SLBM).
Triều Tiên được cho là có 3 loại ICBM gồm: Hwasong-13, Hwasong-14 và Hwasong-15. Đến nay, Hwasong-15 là phiên bản tiên tiến nhất với tầm bắn ước tính 12.874 km. Theo các chuyên gia, ICBM mới dường như không mang nhiều đầu đạn do phần trước của nó tương đối nhọn, trong khi để chứa nhiều đầu đạn, nó cần phải tròn hơn.
Hàn Quốc lưu ý rằng ông Kim Jong-un bày tỏ hy vọng về một ngày hai miền Triều Tiên sẽ "chung tay" sau khi cuộc khủng hoảng Covid-19 kết thúc. Các thành viên NSC nghĩ thông điệp của ông Kim Jong-un phản ánh quan điểm rằng Bình Nhưỡng sẽ tìm cách khôi phục quan hệ liên Triều ngay khi có các điều kiện thích hợp. Hàn Quốc nhất trí các cơ quan hữu quan sẽ giải quyết vấn đề trên một lập trường phối hợp. Seoul cũng kêu gọi Bình Nhưỡng đáp ứng tích cực đề nghị cùng điều tra vụ quân đội Triều Tiên bắn chết quan chức ngư nghiệp Hàn Quốc vào tháng trước.
ICBM mới của Triều Tiên trong lễ duyệt binh ngày 10-10 Ảnh: Yonhap
Trong khi đó, một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết chính phủ Mỹ "thất vọng" khi Triều Tiên tiếp tục ưu tiên phát triển vũ khí, đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng quay lại đàm phán phi hạt nhân hóa. Theo vị quan chức này, Mỹ vẫn cam kết thực hiện thỏa thuận phi hạt nhân hóa mà Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un ký trong Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều đầu tiên được tổ chức tại Singapore vào tháng 6-2018. John Supple, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ, cho biết Washington đang phân tích diễn biến này với sự tham vấn của các đồng minh châu Á.
Một số chuyên gia dự báo Triều Tiên có thể thực hiện một số động thái nhưng không quá nghiêm trọng vào thời điểm gần ngày bầu cử ở Mỹ hoặc thậm chí là hậu bầu cử. Tuy nhiên, có nhà phân tích xem việc "trình làng" tên lửa đạn đạo mới tại lễ duyệt binh là một mối đe dọa rõ ràng đối với hệ thống phòng thủ của Mỹ, thách thức ngầm đối với cả tổng thống Mỹ đương nhiệm và nhiệm kỳ mới. Ông Jeffrey Lewis thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế Middlebury (Mỹ) cho biết khí tài mới rõ ràng là nhằm áp đảo hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Alaska.
NK News còn lưu ý thời điểm phát sóng lễ duyệt binh dường như được tính toán vào lúc người dân Mỹ vừa thức giấc. Tờ Le Parisien (Pháp) dẫn lời chuyên gia cho rằng Triều Tiên vẫn tiếp tục các chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo trước mối đe dọa từ Mỹ. Giới quan sát cảnh báo Bình Nhưỡng có thể thử nghiệm vũ khí mới vào năm tới.
Bình luận (0)