Các nhà hoạt động cho biết vụ nổ xảy ra tại chốt kiểm soát do các tay súng Hồi giáo dựng lên trên tuyến đường tới cửa khẩu Bab al-Hawa, cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ vài trăm mét.
Chưa có nhóm nào chịu trách nhiệm song trong số các đối tượng tình nghi có cả lực lượng trung thành với Tổng thống Syria Bashar Al-Assad.
Vụ đánh bom này xảy ra một ngày sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một trực thăng của Syria "bay nhầm" vào không phận.
Xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ tuần tra gần cửa khẩu Bab al-Hawa. Ảnh: Reuters
Cùng ngày 17-9, 5 nước thường trực của Hội đồng Bảo an nhóm họp để thảo luận dự thảo nghị quyết về tiêu hủy các loại vũ khí hóa học tại Syria do Pháp soạn thảo. Anh, Pháp, Mỹ đồng lòng muốn một nghị quyết “mạnh mẽ”, trong đó điểm tranh cãi lớn nhất là nghị quyết có viện đến Chương 7 của Hiến chương Liên Hiệp Quốc – cho phép tiến hành hoạt động quân sự - hay không.
Trong cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius ở Moscow ngày 17-9 trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã kiên quyết bác bỏ việc viện đến Chương 7. Ông Lavrov khẳng định điều này đã được làm rõ tại cuộc hội đàm Nga - Mỹ ở Geneva – Thụy Sĩ mới đây.
Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius hội đàm với người đồng cấp Sergey Lavrov tại Moscow.
Ảnh: Reuters
Cuộc hội đàm Nga – Pháp nói trên cũng không thu hẹp được bất đồng sâu sắc giữa 2 nước về vấn đề Syria. Ngoại trưởng Nga nghi ngờ vụ tấn công bằng khí độc hôm 21-8 tại Syria là hành động khiêu khích của quân nổi dậy. Trong khi đó, ông Fabius khẳng định chính quyền Syria đứng đằng sau vụ tấn công trên khi xét theo "lượng khí sarin được sử dụng, hướng tấn công và kỹ thuật tấn công cùng các yếu tố khác".
Về vấn đề này, một nguồn tin an ninh cấp cao của Syria ngày 17-9 khẳng định lực lượng nổi dậy cũng sở hữu tên lửa đất đối đất tự chế và khí độc Sarin nên đây mới chính là thủ phạm gây ra các vụ tấn công gần Damascus.
Chính phủ Syria tố ngược quân nổi dậy cũng có tên lửa đất đối đất và khí độc sarin. Ảnh: Reuters
Bình luận (0)