Hãng tin Reuters hôm 15-7 dẫn nguồn thạo tin giấu tên cho biết Nhà Trắng đang thảo luận các mục tiêu trừng phạt ở Trung Quốc nhưng chưa đưa ra quyết định cuối cùng. Người này cho hay một trong những nhân vật có nguy cơ bị trừng phạt là Đặc khu trưởng Hồng Kông Carrie Lam. Trong khi đó, theo tờ The New York Times (Mỹ), chính quyền Tổng thống Donald Trump đang cân nhắc lệnh cấm nhập cảnh Mỹ đối với 92 triệu đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc và gia đình họ.
Trước đó, hôm 14-7, ông Donald Trump ký Đạo luật Tự trị Hồng Kông cho phép áp đặt các lệnh trừng phạt và hạn chế thị thực đối với quan chức Trung Quốc cũng như các tổ chức tài chính liên quan đến việc thực thi luật an ninh quốc gia mới của Trung Quốc lên Hồng Kông.
Vài giờ sau, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trịnh Trạch Quang triệu tập Đại sứ Mỹ Terry Branstad, cảnh báo việc Mỹ can thiệp vào chuyện nội bộ của Trung Quốc và làm tổn hại lợi ích của Bắc Kinh về các vấn đề Tân Cương, Tây Tạng và biển Đông, đồng thời cáo buộc Washington phơi bày "bản chất bá quyền". Quan chức này kêu gọi Mỹ không tiếp tục "sa lầy vào con đường sai lầm".
Hành khách trên tàu điện ngầm ở Hồng Kông hôm 15-7, một ngày sau khi Mỹ rút quy chế đặc biệt đối với đặc khu này Ảnh: REUTERS
Căng thẳng Mỹ - Trung tiếp tục leo thang khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 15-7 thông báo Washington sẽ áp hạn chế thị thực đối với nhân viên của các công ty công nghệ Trung Quốc, trong đó có Tập đoàn Huawei, với cáo buộc liên quan đến các hành vi vi phạm nhân quyền.
Trong vài tuần qua, Washington liên tục áp lệnh trừng phạt Bắc Kinh vì các vấn đề Hồng Kông và Tân Cương. Mỹ cũng ngăn Trung Quốc tiếp cận các công nghệ cao của Mỹ và kêu gọi đồng minh hành động tương tự. Ông Rush Doshi, Giám đốc ý tưởng chiến lược Trung Quốc tại Viện Brookings (Mỹ), nhận định với tờ The New York Times: "Khoảng cách quyền lực Mỹ - Trung đang thu hẹp trong khi khoảng cách về ý thức hệ ngày càng nới rộng".
Lo ngại Mỹ và Trung Quốc đang rơi vào vòng xoáy ý thức hệ, ông Doshi tự hỏi: "Đâu sẽ là đáy?". Trong nhiều năm qua, các chính trị gia và nhà sử học đều bác bỏ quan điểm cho rằng một cuộc chiến tranh lạnh mới giữa Mỹ và Trung Quốc đang dần xuất hiện. Tuy nhiên, khi hai siêu cường đối đầu về công nghệ, lãnh thổ, quyền lực, họ sẽ phải đối mặt nguy cơ nổ ra các tranh chấp nhỏ dẫn đến leo thang thành xung đột quân sự.
Bình luận (0)