Dù vậy, sau khi được toại nguyện, bản thân bà lại ngày càng hoài nghi về khả năng nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin sẵn sàng chấp nhận để mối quan hệ song phương này sang trang mới.
Lập trường trên phần nào giúp người ta đoán được bà Clinton sẽ xử lý mối quan hệ với Moscow theo hướng nào nếu trở thành người kế nhiệm ông Obama. Đó là cứng rắn với Nga hơn ông Obama hoặc đối thủ Donald Trump, ứng viên tổng thống Đảng Cộng hòa. Trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Nga đang xuống thấp, một trong những thách thức đối ngoại lớn nhất của bà là đối mặt ông Putin ra sao, nhất là khi giữa 2 người có không ít “lời qua tiếng lại” trong quá khứ.
Ông Jake Sullivan, một cố vấn cho chiến dịch tranh cử của bà Clinton, tiết lộ với Reuters rằng cựu ngoại trưởng sẽ cân nhắc cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine và lập các vùng cấm bay ở Syria - 2 ý tưởng bị ông Obama bác bỏ cho đến giờ. Những động thái khác được tính đến là tăng cường trừng phạt Nga do cuộc khủng hoảng Ukraine và làm nhiều hơn để giúp các nước láng giềng của Moscow bớt phụ thuộc vào nguồn năng lượng của quốc gia này. Ông Sullivan thừa nhận những bước đi trên có thể khiến tình hình thêm căng thẳng nhưng tin rằng bà Clinton có thể xử lý hiệu quả quan hệ với Nga bởi ông Putin sẽ tôn trọng bà trên cương vị tổng thống Mỹ.
Nước Nga dĩ nhiên là đang theo dõi sát sao cuộc đua vào Nhà Trắng để biết xem mình sắp đối mặt với ai. “Nhiều người đánh giá bà Clinton không phải là ứng viên ưa thích của Điện Kremlin. Nhiều người tin rằng bà sẽ mạnh tay hơn ông Obama” - ông Andrey Kortunov, Tổng Giám đốc Hội đồng Các vấn đề quốc tế Nga, nhận định.
Nói thế không có nghĩa là Moscow quá hào hứng trước viễn cảnh ông Trump trở thành ông chủ Nhà Trắng. Các chuyên gia về Nga đang chia rẽ về việc liệu ông Putin có thật sự muốn tỉ phú bất động sản này thắng cử hay không. Nói gì thì nói, với Nga, ông Trump vẫn là một nhân tố “khó lường” so với một Clinton “dễ đoán”. Ông Trump được xem là thân thiện với Moscow và có lần khen ông Putin là “nhà lãnh đạo mạnh mẽ”. Dù vậy, cũng chính ứng viên này từng tuyên bố nên bắn hạ máy bay Nga tiếp cận các khí tài quân sự của Mỹ. Ở chiều ngược lại, theo phóng viên người Nga Aleksey Kovalev, Moscow chỉ muốn tận dụng những phát biểu của ông Trump để củng cố quan điểm địa chính trị của mình hoặc “đánh” bà Clinton. “Câu nói “kẻ thù của kẻ thù là bạn” rất phù hợp trong trường hợp này” - ông Kovalev nhận định.
Một số chuyên gia cũng chỉ ra rằng nếu Nga quả thật đứng sau những vụ tấn công nhằm vào hệ thống máy tính của Đảng Dân chủ Mỹ gần đây thì điều này không có nghĩa Moscow muốn ông Trump chiến thắng hoặc đang đặt cược vào kết quả này. Ông Gustav Gressel, nhà phân tích tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu, trụ sở ở thủ đô Berlin - Đức, nhận định với trang tin Quartz rằng những vụ tấn công chỉ nhằm chứng tỏ sức mạnh của Moscow cũng như là hành động trả đũa sự can thiệp của tình báo Mỹ vào chính trường Nga và vấn đề Ukraine.
Bình luận (0)