Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ hôm 16-7 cho biết mọi thứ đang trở lại bình thường sau khi một nhóm quân nhân bất ngờ đảo chính vào tối hôm trước tại thủ đô Ankara và TP Istanbul.
Âm mưu chóng tàn
Có ít nhất 161 người thiệt mạng (không tính kẻ đảo chính), 1.563 người bị bắt và 1.154 người điều trị trong bệnh viện. Song song đó, hơn 2.800 quân nhân bị bắt trong lúc 5 tướng cùng 29 đại tá quân đội bị cách chức.
Hành động đảo chính bắt đầu vào khoảng 21 giờ 30 phút ngày 15-7 (giờ địa phương). Các chiến đấu cơ bay trên trời, đấu súng xảy ra bên ngoài trụ sở quân đội và 2 cây cầu chính tại Istanbul, nối liền phần châu Âu và châu Á của thành phố, bị phong tỏa. Trụ sở quốc hội và cơ quan tình báo ở Ankara bị bắn phá.
Tuy nhiên, đến rạng sáng 16-7, theo Reuters, giao tranh giảm đáng kể. Khoảng 50 binh sĩ đảo chính đầu hàng trên cầu Bosphorus ở Istanbul. Các nhân chứng cho biết người ủng hộ chính phủ đã tấn công số binh sĩ này. Cũng tại Istanbul, khoảng 30 binh sĩ hạ vũ khí khi bị cảnh sát bao vây tại quảng trường Taksim. Tổng tham mưu trưởng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, Hulusi Akar, được lực lượng an ninh giải cứu tại một căn cứ không quân ở Tây Bắc Ankara.
Tình thế đảo chiều kể từ khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan từ nơi nghỉ mát quay về Istanbul vào rạng sáng 16-7, tuyên bố trên truyền hình quốc gia rằng chính phủ đang bắt giữ những người đảo chính và “họ sẽ phải trả giá đắt cho hành động mưu phản”.
Trước đó, hưởng ứng lời kêu gọi của ông Erdogan, người dân đổ ra đường ở Ankara và Istanbul. Phóng viên đài BBC mô tả: “Người ta đổ ra quảng trường chính, lao đến các xe tăng và xe bọc thép. Điều này thật bất ngờ. Vốn dĩ người dân Thổ Nhĩ Kỳ có quan hệ bền vững với quân đội nên họ cảm thấy sốc khi binh sĩ xả súng vào đám đông”.
Thổi bùng căng thẳng
Cả Tổng thống Erdogan và Thủ tướng Binali Yildirum đều cáo buộc phong trào Gulen, do giáo sĩ Fethullah Gulen dẫn đầu, đứng sau cuộc đảo chính. Giáo sĩ Gulen là học giả có sức ảnh hưởng lớn ở Thổ Nhĩ Kỳ dù đã sang Mỹ vào năm 1999. Ban đầu, Tổng thống Erdogan hợp tác với phong trào Gulen nhưng dần dần ông lo sợ bị tiếm quyền và tìm cách loại trừ nhóm này.
Bất chấp việc giáo sĩ Gulen bác bỏ có liên quan, Tổng thống Erdogan vẫn khẳng định cuộc đảo chính cho thấy phong trào Gulen là một tổ chức khủng bố có vũ trang. Chính phủ cũng cáo buộc giáo sĩ Gulen đang tìm cách xây dựng một “cấu trúc song song” trong hệ thống tư pháp, giáo dục, truyền thông và quân đội như một cách lật đổ đất nước.
Ban đầu, chỉ huy trực tiếp cuộc đảo chính được xác định là đại tá Muharrem Kose, mới bị cách chức hồi tháng 3 với cáo buộc câu kết với phong trào Gulen. Sau đó, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ nêu thêm 2 cái tên là tướng Akin Ozturk, cựu tư lệnh không quân nghỉ hưu hồi tháng 8-2015 và trung tướng Metin Iyidil, chỉ huy lực lượng Chiến đấu và huấn luyện.
Theo tờ The Guardian, vụ đảo chính nói trên nêu bật tình trạng bất ổn và sự thất vọng ngày càng tăng của Thổ Nhĩ Kỳ dưới thời ông Erdogan. Điều này phần nào thể hiện qua tuyên bố của nhóm đảo chính, theo đó các quy tắc dân chủ và thế tục của luật pháp Thổ Nhĩ Kỳ đã bị chính phủ hiện tại hủy hoại.
Sự bất mãn dường như còn bắt nguồn từ thông tin quân đội Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến thay chỉ huy vào những tháng tới. Có suy đoán một số người trong quân đội không thích ứng viên mà Tổng thống Erdogan định bổ nhiệm. Tuy nhiên, Văn phòng Tổng thống Erdogan bác bỏ và khẳng định việc bổ nhiệm các vị trí quân sự mới là hoạt động thường niên.
Ngoài ra, tình hình trong nước đang rối ren sau một loạt vụ tấn công khủng bố do tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và Đảng Công nhân người Kurd (PKK) gây ra. Việc ông Erdogan kiên quyết thực hiện các quan điểm Hồi giáo cứng rắn và ngày càng độc đoán đã gây ra quan ngại trong lòng quân đội, cũng như khiến đất nước chia rẽ. Những chuyên gia nghiên cứu tình hình Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã cảnh báo quân đội có thể phản ứng nếu căng thẳng giữa Ankara và PKK leo thang vượt tầm kiểm soát.
Bất ổn khu vực
Mặt khác, ông Erdogan bị chỉ trích đã can thiệp quá sâu vào cuộc khủng hoảng tại nước láng giềng Syria, phản đối chế độ Tổng thống Bashar al-Assad và ủng hộ các nhóm nổi dậy đang tìm cách lật đổ ông này.
Ngay sau vụ đảo chính bất thành, Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo ổn định của khu vực đang bị đe dọa. “Thổ Nhĩ Kỳ là một nước rất quan trọng trong khu vực. Sự ổn định và tình hình tại Thổ Nhĩ Kỳ có ảnh hưởng đến toàn khu vực lân cận” - người phát ngôn của Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, nhấn mạnh.
Trong khi đó, Mỹ cũng thở phào nhẹ nhõm khi thấy đảo chính bất thành. Thổ Nhĩ Kỳ là một đồng minh then chốt của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố. Ankara còn đồng ý cho Washington sử dụng căn cứ không quân Incirlik gần biên giới với Syria để không kích IS.
Dù vậy, quan hệ giữa 2 đồng minh này ít nhiều căng thẳng trong những tháng gần đây. Chính quyền của Tổng thống Barack Obama thất vọng với xu hướng ngày càng độc đoán của ông Erdogan.
Theo chuyên gia Eric Bordenkircher tại Trung tâm Phát triển Trung Đông thuộc Trường ĐH UCLA (Mỹ), tình hình chính trị hỗn loạn của Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ khiến nhiều nước xem lại quan hệ quân sự với nước này. Ông cũng khuyến cáo quân đội Mỹ cân nhắc xem có nên tiếp tục hợp tác quân sự với Thổ Nhĩ Kỳ hay không.
Người Việt Nam an toàn
Thông tin từ Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao chiều 16-7 cho biết cán bộ, nhân viên và các thành viên gia đình Đại sứ quán Việt Nam tại Ankara, cơ quan thương vụ Việt Nam tại Istanbul, các đoàn cán bộ Việt Nam đang công tác tại Thổ Nhĩ Kỳ và cộng đồng người Việt Nam ở Thổ Nhĩ Kỳ vẫn an toàn. Rất may là tại Ankara và Istanbul có rất ít người Việt sinh sống.
Đại sứ Phạm Sanh Châu, trưởng đoàn Việt Nam tham dự khóa họp 39 của Ủy ban Di sản Thế giới tại Istanbul, cho biết đoàn Việt Nam gồm 25 người đang an toàn trong 5 khách sạn khác nhau. Trước đó, 2 đoàn Quảng Bình và Thanh Hóa bị kẹt tại sân bay cả đêm do bị phong tỏa. “Sân bay đã mở cửa trở lại và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Hoài cùng anh em trong đoàn Thanh Hóa vẫn chờ ở đó. Mọi người đã trải qua một đêm khiếp sợ với cảnh hỗn loạn, giẫm đạp” - Đại sứ Châu chia sẻ.
Theo Đại sứ Châu, Istanbul vốn rất nhộn nhịp trở nên vắng tanh trong ngày 16-7. Ban Thư ký UNESCO đã gửi email khẩn cấp thông báo hoãn họp cho đến khi có tin tức mới.
D.Ngọc
Bình luận (0)