Dẫn đầu cuộc biểu tình là phong trào Mặt trận Những người bảo vệ Hồi giáo (FPI). Ban đầu, họ tụ tập ở thánh đường Istiqlal vào trưa 4-11 (giờ địa phương) để cầu nguyện, sau đó thẳng tiến đến dinh tổng thống.
Lãnh tụ Hồi giáo Indonesia Nasaruddin Umar tìm cách xoa dịu căng thẳng với bài thuyết giáo của mình. Ông nói: “Không có gì khó hiểu khi người Hồi giáo cảm thấy bị xúc phạm vì ai đó động chạm tới Kinh Koran. Nhưng Kinh Koran quy định nếu muốn thể hiện sự tức giận cũng không được vượt qua lằn ranh hoặc bằng những cách thức quá đáng khác”.
Biển người tham gia biểu tình hôm 4-11. Ảnh: Reuters
Ành: Reuters
Hàng chục ngàn người Hồi giáo biểu tình ngày 4-11. Ảnh: EPA
Nguyên nhân gây ra cuộc biểu tình nói trên là do Thống đốc Jakarta Basuki Tjahaja Purnama (biệt danh Ahok) chỉ trích các đối thủ tấn công mình trước cuộc bầu cử thống đốc vào tháng 2-2017. Ông này còn bị cáo buộc “phỉ bang kinh Koran và xúc phạm đạo Hồi” trong chiến dịch tranh cử hồi tháng trước.
Hàng chục ngàn người biểu tình cầm cờ Indonesia, giăng biểu ngữ “Bắt hoặc trục xuất Ahok”, “Đừng bao che những lời báng bổ” và đi bộ, bắt xe buýt, lái xe máy trên quãng đường 3,6 km từ thánh đường Istiqlal đến dinh tổng thống.
Trong khi cuộc biểu tình ở Jakarta diễn ra khá ôn hòa, một số cuộc biểu tình nhỏ lẻ khác mang hơi hướng bạo lực hơn. Chẳng hạn các sinh viên ở TP Makassar, thủ phủ tỉnh Nam Sulawesi, đốt lốp xe trên đường phố để phản đối.
Cảnh sát sẵn sàng can thiệp. Ảnh: STRAITS TIMES
Tới 18 giờ cùng ngày, cảnh sát chặn người biểu tình tại một vòng xoay gần đường vào dinh tổng thống. Hơi cay, vòi rồng đã được sử dụng. 20.000 cảnh sát, 500 binh sĩ và xe bọc thép cũng được triển khai để can thiệp nếu cần thiết.
Luật pháp Indonesia quy định các cuộc biểu tình đường phố phải kết thúc trước 18 giờ tối. Sau thời hạn này, cảnh sát có quyền đuổi người biểu tình ra khỏi các khu vực công cộng. Tuy nhiên, các giáo sĩ của FPI kêu gọi người biểu tình ở lại qua đêm nếu ông Basuki không bị bắt.
Các đại diện của người biểu tình đã gặp Phó Tổng thống Yusuf Kalla và nhận được đảm bảo sẽ hoàn tất điều tra Thống đốc Basuki trong vòng 2 tuần.
Hôm 4-11, phát ngôn viên của ông Basuki cho hay ông đi thị sát công trình xây dựng ở phía Bắc Jakarta, Ông Basuki đã ngỏ lời xin lỗi trước đó, đồng thời khẳng định ông không chỉ trích kinh Koran.
Đơn vị tổ chức biểu tình cho biết có khoảng 200.000 người tham gia vụ phản đối lần này. Cảnh sát tin rằng những người biểu tình bao gồm cả cảm tình viên địa phương của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đến từ một số nhóm cực đoan trong nước, bao gồm Jemaah Ansharut Tauhid và Jemaah Ansharut Daulah. Nhưng bạo lực được cho là sẽ không nổ ra.
Dù bị phe Hồi giáo cứng rắn phân biệt đối xử nhưng ông Basuki – người gốc Hoa đầu tiên làm Thống đốc Jakarta và theo đạo Ki-tô giáo - được nhiều người dân Jakarta ủng hộ mạnh mẽ vì phong cách lãnh đạo trong sạch và có khả năng.
Ông là cấp phó của Tổng thống Joko Widodo trong thời gian ông Widodo làm thống đốc Jakarta (2012-2014). Ông Widodo đã tuyên bố không can thiệp vào bất cứ tiến trình pháp lý nào chống lại ông Basuki.
Nổi tiếng là nhà cải cách mạnh tay, ông Basuki đang chạy đua để tái tranh cử chức thống đốc Jakarta vào năm sau. Đối thủ của ông gồm 2 người theo đạo Hồi: Ông Agus Harimurti Yudhoyono (con trai cựu Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono) và ông Anies Baswedan (cựu bộ trưởng giáo dục).
Cuộc biểu tình chống lại ông Basuki cũng khiến nhiều người gốc Hoa, chiếm 1% tổng dân số 250 triệu người của Indonesia, lo sợ. Năm 1998 từng xảy ra một làn sóng bài Hoa ở Indonesia, dẫn đến nạn cướp bóc và đốt phá các cửa hàng, nhà cửa của người gốc Hoa.
Bình luận (0)