Hôm 17-5, Đô đốc Harris đề nghị Moscow và Bắc Kinh tăng cường thuyết phục Bình Nhưỡng ngừng chương trình hạt nhân và tên lửa gây tranh cãi.
"Hành vi nguy hiểm của Triều Tiên không chỉ là mối đe dọa đối với bán đảo Triều Tiên" – ông Harris phát biểu khi tham dự một sự kiện ở Thủ đô Tokyo (Nhật Bản), đề cập tới vụ thử tên lửa hôm 14-5 của nước này.
"Họ còn là mối đe doạ đối với Nhật Bản, Trung Quốc và Nga. Để tôi nhắc lại, Triều Tiên còn là mối đe doạ đối với Nga".
Người đứng đầu Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ cho rằng Moscow phải có trách nhiệm đóng góp cho an ninh quốc tế, đồng thời phải hợp tác để nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong - un thay đổi ý định chứ không nên sử dụng vũ lực bắt ông ta khuất phục.
Đô đốc Harry Harris phát biểu khi tham dự một sự kiện ở thủ đô Tokyo hôm 17-5. Ảnh: AP
Trước đó, tại các cuộc gặp với Thủ tướng Shinzo Abe và Bộ trưởng Quốc phòng Tomomi Inada, ông Harris nói rằng hành động thử tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Triều Tiên là không thể chấp nhận.
Về cam kết thực thi tự do hàng hải của Mỹ tại các vùng biển quốc tế, trong đó có biển Đông, Đô đốc Harris từ chối cho biết Washington đã gửi tàu hoặc máy bay tới khu vực Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền trái phép gần các đảo tranh chấp ở biển Đông kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức vào ngày 20-1 hay chưa.
Tuy nhiên, ông khẳng định quân đội Mỹ sẽ tiếp tục thực thi quyền tự do hàng hải trong vùng biển này: "Chúng tôi sẽ bay, đi thuyền và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép".
Ông Harris cũng nhắc lại rằng Mỹ cam kết bảo vệ quần đảo Senkaku mà Nhật Bản đang tranh chấp với Trung Quốc ở biển Hoa Đông theo điều 5 của Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật.
Cũng trong ngày 17-5, tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cảnh báo xung đột trên bán đảo Triều Tiên đang ở mức cao.
"Khả năng xảy ra xung đột ở Đường giới hạn phía Bắc (NLL) cũng như các khu vực phân chia quân sự đang rất cao. Năng lực hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên đã tiến bộ đáng kể nhưng Hàn Quốc sẵn sàng phản công nếu bị khiêu khích" – ông Moon nhấn mạnh.
Bình luận của ông Moon được đưa ra sau khi chính quyền Seoul mới đang muốn thi hành "Chính sách Ánh Dương", trong đó mở kênh đối thoại với Bình Nhưỡng song song với việc gây áp lực và duy trì lệnh trừng phạt.
Bình luận (0)