Một nguồn tin chính phủ Mỹ cho biết vụ tấn công “gần như chắc chắn” được thực hiện bởi lực lượng trung thành với Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Tuy nhiên, Damascus phủ nhận cáo buộc và đổ trách nhiệm cho quân nổi dậy.
Nếu được xác nhận, vụ việc xảy ra ở thị trấn Khan Sheikhoun sẽ là cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học nguy hiểm nhất ở Syria kể từ khi chất độc sarin giết chết hàng trăm dân thường ở Ghouta, gần thủ đô Damascus vào tháng 8-2013.
Người đứng đầu cơ quan y tế tỉnh Idlib – phần lớn đang do quân nổi dậy kiểm soát – thông báo hơn 50 người đã thiệt mạng và 300 người bị thương hôm 4-4. Trong khi đó, Liên minh các tổ chức chăm sóc y tế (UMCO) nói số người chết lên đến 100 người.
Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR), trụ sở tại Anh, cho rằng máy bay chiến đấu của quân đội Syria đã thả khí độc. Giám đốc SOHR Rami Abdulrahman dẫn chứng có cả máy bay Sukhoi 22 tham gia vụ tấn công nên nhiều khả năng Damascus đứng sau vụ việc này.
Trong khi Bộ Quốc phòng Nga khẳng định họ không liên quan, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) dự kiến nhóm họp trong ngày 5-4 để thảo luận vấn đề. Theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, thiếu tướng Igor Konashenkov, không quân Syria đã phá hủy một nhà kho ở tỉnh Idlib, nơi phiến quân sản xuất vũ khí hóa học trước khi vận chuyển tới Iraq. Vụ không kích được thực hiện hôm 4-4 ở phía Đông thị trấn Khan Sheikhoun.
Tại Washington, Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích người tiền nhiệm Barack Obama vì không thực thi “lằn ranh đỏ” vào năm 2012 để chống lại các hành động sử dụng vũ khí hóa học. “Vụ tấn công (ở Khan Sheikhoun) là hệ quả của sự yếu kém và do dự của chính quyền Obama” – ông Trump lên án.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson kêu gọi Nga và Iran “gây ảnh hưởng lên chế độ Syria và đảm bảo những cuộc tấn công khủng khiếp như vậy không nên được nhìn thấy một lần nữa”.
Hàng loạt các nhà lãnh đạo thế giới cũng bày tỏ sự phẫn nộ sau vụ tấn công nói trên. Tổng thống Pháp Francois Hollande quy trách nhiệm cho lực lượng chính phủ Syria. Còn Anh cảnh báo Tổng thống Assad sẽ phạm tội ác chiến tranh nếu chính quyền của ông thực hiện vụ tấn công.
Đặc phái viên LHQ tại Syria mô tả đây là vụ tấn công bằng chất độc “khủng khiếp” diễn ra từ trên không.
Hồi tháng 2, Nga - với sự ủng hộ của Trung Quốc – đã dùng quyền phủ quyết để bảo vệ chế độ Assad khỏi bị Hội đồng Bảo an LHQ “sờ gáy”. Moscow cũng ngăn cản nỗ lực áp đặt lệnh trừng phạt lên Damascus của các cường quốc phương Tây liên quan đến các vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ngoài chiến trường.
Những cuộc điều tra của LHQ và Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) phát hiện ra rằng nhiều bên tham chiến ở Syria đã sử dụng khí clo, lưu huỳnh và sarin.
Tỉnh Idlib là khu vực có đông dân cư nhất bị quân nổi dậy chống chế độ Assad kiểm soát ở Syria. Trong năm nay, Mỹ tiến hành một loạt các cuộc không kích ở tỉnh này, nhắm mục tiêu vào các phe phái Hồi giáo cực mạnh, bao gồm phong trào Mặt trận Al-Nursa liên kết Al-Qaeda.
Bình luận (0)