Các quan chức Washington cho biết phần tử IS trên từng làm việc cho chương trình vũ khí của cố Tổng thống Iraq Saddam Hussein, trong đó sản xuất các loại vũ khí hóa học và sinh học trước chiến tranh vùng Vịnh năm 1991. Trước khi bị bắt, hắn đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ IS phát triển vũ khí hóa học.
Tên này bị bắt trong một cuộc đột kích của lực lượng đặc nhiệm Mỹ cách đây khoảng 1 tháng, hiện bị giam tại tỉnh Irbil, miền Bắc Iraq và do lính Mỹ canh giữ. Sau khi kết thúc quá trình thẩm vấn, hắn sẽ được chuyển tới nhà tù của chính phủ Iraq. Theo đài BBC, hắn tên Sleiman Daoud al-Afari.
Theo một số quan chức Mỹ giấu tên, chiến binh IS này đã cung cấp thông tin chi tiết về chương trình vũ khí hóa học của nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng, bao gồm vị trí của hai kho lưu trữ mà sau này bị Washington không kích gần TP Mosul tại Iraq.
Theo đài CNN ngày 9-3, đây là đợt không kích đầu tiên của Mỹ nhằm phá hủy năng lực sử dụng các loại vũ khí hóa học của IS, trong đó có khí mù tạt, nhưng chưa rõ mức độ thành công.
Chiến binh trên tiết lộ IS sản xuất khí độc tại nhà máy hóa chất, phòng thí nghiệm hoặc chỉ đơn giản là tái chế vật liệu độc hại từ thời kỳ trước năm 1991.
Trong khi đó, giới chức tỉnh Kirkuk ở miền Bắc Iraq cho biết hơn 40 người đã bị các triệu chứng như khó thở và dị ứng khi IS bắn đạn pháo và tên lửa chứa "các chất độc hại" vào một ngôi làng, nơi chủ yếu là người Turkmen dòng Shi'ite đang sinh sống.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Iraq Khaled Obeidi không tin IS đủ khả năng sản xuất vũ khí hóa học. Phát biểu tại họp báo ngày 9-3 ở TP Tikrit, ông Obeidi khẳng định các loại khí độc IS sử dụng chỉ làm “tổn thương tinh thần” chứ không gây thương vong.
Tháng 8 năm ngoái, lực lượng người Kurd ở miền Bắc Iraq cáo buộc IS nhét khí mù tạt vào đạn pháo làm các chiến binh của họ bị khó thở và tổn thương da. Khí mù tạt – vốn gây phồng rộp da, mắt và các mô mềm khác, lần đầu tiên được sử dụng trong chiến tranh Thế giới thứ nhất. Năm 1925, nó bị cấm sử dụng trong các cuộc chiến theo luật pháp quốc tế.
Sau cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, thanh tra của Liên Hiệp Quốc phá hủy nhiều kho dự trữ khí độc thần kinh sarin và mù tạt ở Iraq, một số được cất giữ vào hầm kín cho an toàn. Điều này dẫn đến việc vài boongke khí sarin và mù tạt còn nguyên vẹn sau khi Mỹ can thiệp vào Iraq năm 2003.
Năm 2014, IS kiểm soát phần lớn khu vực phía Tây và Bắc Iraq, qua đó có thể sở hữu những loại khí hóa học này và tìm cách tái chế. Nhóm này cũng sử dụng vũ khí hóa học ở Syria.
Do bị Mỹ gây áp lực không kích nên Tổng thống Syria Bashar al-Assad năm 2013 đồng ý tiêu hủy các kho vũ khí hóa học, gồm khí sarin và mù tạt ở thủ đô Damascus. Tất cả được vận chuyển ra khỏi Syria và bị tiêu hủy ngoài biển.
Bình luận (0)