Vốn được thiết kế để chuyên chở hàng trăm hành khách ở độ cao đến hơn 9.000 m nhưng chiếc siêu phi cơ khổng lồ Airbus A300 lại bị dìm xuống biển Aegea để thực hiện sứ mệnh đặc biệt: thu hút du khách.
Một công đôi việc
Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ vừa sử dụng chiêu thức lạ thường này với kỳ vọng vực dậy ngành du lịch đang tụt dốc do tác động tiêu cực từ các lệnh trừng phạt của Nga và nỗi lo sợ khủng bố của du khách. Chiếc máy bay chở khách dài 54 m với sải cánh rộng 44 m được “hạ thủy” gần thị trấn nghỉ dưỡng Kuşadası hôm 4-6 để hình thành rạn san hô nhân tạo. Quá trình nhấn chìm kéo dài khoảng 2 giờ rưỡi giữa sự chứng kiến của hàng trăm người hiếu kỳ và tiếng còi hú rộn ràng từ tàu thuyền xung quanh, để chào đón “cư dân” mới này của biển cả.
Chính quyền TP Aydin gần đó phải chi đến 92.000 USD để mua chiếc máy bay trên từ một công ty tư nhân. Thị trưởng TP Aydin - bà Özlem Çerçioğlu - nói rằng một công đôi việc, chiếc máy bay sẽ giúp thị trấn Kuşadası biến thành điểm đến quanh năm của những du khách thích lặn dưới biển, đồng thời để bảo vệ đời sống dưới nước.
Chiếc A300 hơn 36 tuổi nói trên là chiếc to nhất trong số 3 máy bay được Thổ Nhĩ Kỳ “đánh chìm” gần đây để phục vụ mục đích vực dậy ngành du lịch. Chẳng hạn như giới chức địa phương hy vọng ít nhất 250.000 khách du lịch trong và ngoài nước sẽ đến Kuşadası mỗi năm để chiêm ngưỡng công trình mới của họ. Về lý thuyết, rạn san hô nhân tạo có mục đích giữ chân các du khách mê lặn biển và “buông tha” cho những rạn san hô tự nhiên mong manh trong bối cảnh trên toàn cầu, tình trạng bệnh tật, nước đậm axít hơn cũng như sự ấm lên bất thường của các đại dương đang đe dọa làm tuyệt chủng nhiều loại san hô.
Thành công và thất bại
Các nhà sinh vật học nhấn mạnh rằng không nên đánh đồng việc gây dựng các rạn san hô nhân tạo với xả rác xuống biển. Tuy nhiên, không thể nhân danh sứ mệnh có ích nói trên để quăng bất cứ thứ gì cũ kỹ vào lòng đại dương. Chẳng hạn, san hô không bao giờ bén mảng tới những thiết bị như máy giặt vì cản trở quá trình bài tiết của chúng.
Ngoài ra, việc những rạn san hô nhân tạo có lợi cho hệ sinh thái hay không vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Các nhà nghiên cứu từng xác định được số lượng cá gần một rạn san hô nhân tạo gần bờ biển Úc vào năm 2013 nhiều hơn khoảng 10 lần so với khu vực cách đó hơn 450 m. Tuy nhiên, một số chuyên gia hải dương học, như nhà sinh vật James Bohnsack thuộc Cơ quan Quản lý đại dương và khí quyển quốc gia (Mỹ) lại lo ngại những rạn san hô như vậy chỉ lôi kéo lũ cá từ nơi khác tới chứ không mang lại không gian cho chúng sinh sôi.
Mặt khác, việc cố gắng tạo ra rạn san hô nhân tạo cũng vấp phải những rủi ro khôn lường. Chẳng hạn, New Zealand từng thất bại với kế hoạch thu hút dân lướt sóng bằng cách cố gắng tạo ra một rạn san hô có khả năng tạo sóng. Không như kỳ vọng, cấu trúc thiếu bền vững này đã tạo những con sóng nguy hiểm. Lịch sử cũng chứng minh khi các rạn san hô nhân tạo đều có kết cục thảm họa khi được hình thành từ những vật liệu không thích hợp.
Sai lầm nhất phải kể tới dự án rạn san hô Osborne Tire được tiến hành năm 1972 nhằm phát triển một rạn san hô nhân tạo có diện tích 14 ha trên nền 700.000 vỏ xe hơi bị buộc túm lại. Một số vỏ xe đã bị đứt lìa và luồng nước đánh dạt chúng sang những rạn san hô lân cận. Thậm chí, ở khối vỏ xe còn lại, các sinh vật biển cũng tránh xa, khiến nơi này trông như một bãi cao su chìm. Ngày nay, quân đội Mỹ dùng việc thu dọn đống vỏ xe này làm nhiệm vụ huấn luyện.
Những tác phẩm đặc biệt
Những rạn san hô nhân tạo như trên không phải là phát minh gì quá mới mẻ. Những vật thể được đưa xuống biển để bắt đầu một cuộc đời thứ hai dưới đáy biển cũng cực kỳ đa dạng. Đó có thể chỉ là những chiếc xe đẩy hàng thông thường nhưng cũng có khi lại là những chiếc tàu sân bay - như chiếc USS Oriskany đang nghỉ ngơi ở vịnh Mexico gần bang Florida - Mỹ.
Thú vị nhất là những rạn san hô nhân tạo đặc biệt của nghệ sĩ điêu khắc Jason deCaires Taylor. Ông đã chạm khắc những bức tượng từ bê tông thân thiện với san hô và dìm những tác phẩm của mình ở vùng biển nông nhằm khuyến khích san hô và tảo biển sinh sống, đồng thời cung cấp nơi trú ẩn cho tôm cá tránh khỏi những cỗ máy săn mồi. Tác phẩm nổi tiếng nhất của nghệ sĩ người Anh mang tên “The Silent Evolution” (tạm dịch: Sự tiến hóa lặng lẽ) với 450 bức tượng được dìm xuống bờ biển Mexico.
Bình luận (0)