Công ty Smit Salvage (Hà Lan), đơn vị tham gia hỗ trợ Cơ quan Quản lý kênh đào Suez (SCA) của Ai Cập đẩy tàu Ever Given nổi trở lại, xác nhận sẽ có thêm hai tàu kéo lớn đến hỗ trợ trong ngày 28-3. Tàu Ever Given, dài hơn 4 sân bóng đá, đã nằm chắn ngang toàn bộ kênh đào Suez kể từ hôm 23-3, làm tắc nghẽn giao thông ở hai đầu kênh nối Địa Trung Hải và Biển Đỏ.
SCA cho biết các nỗ lực giải phóng con tàu bằng tàu kéo vẫn tiếp diễn sau khi hoàn tất hoạt động nạo vét ở mũi tàu để loại bỏ 20.000 m3 cát. Các đội cứu hộ đã làm việc xuyên đêm với máy nạo vét lớn nhưng con tàu có tải trọng hơn 200.000 tấn vẫn chưa có dấu hiệu dịch chuyển.
Theo hãng tin AP, ông Peter Berdowski, Giám đốc điều hành của Boskalis (công ty mẹ của Smit Salvage), cho biết công ty hy vọng sẽ kéo tàu container ra ngoài trong vòng vài ngày bằng cách kết hợp các tàu lai dắt hạng nặng, hoạt động nạo vét và triều cường, dự kiến sớm nhất là đầu tuần tới. Nếu những nỗ lực hiện tại bất thành, các đội cứu hộ sẽ tìm cách dỡ một phần hàng hóa trên tàu Ever Given nhằm giúp tàu nhẹ hơn để di chuyển.
Tàu hàng Ever Given hôm 27-3, sau 5 ngày liên tiếp mắc kẹt trên kênh đào Suez - Ai Cập. Ảnh: REUTERS
Một nghiên cứu của công ty bảo hiểm Đức Allianz cho thấy sự cố tắc nghẽn trên kênh đào Suez có thể khiến thương mại toàn cầu thiệt hại từ 6 tỉ USD đến 10 tỉ USD/tuần. Trong bối cảnh lo ngại tàu Ever Given có thể làm tê liệt một trong những tuyến đường thủy quan trọng này trong nhiều tuần, các tàu hàng khác buộc phải lựa chọn chờ đợi hoặc tìm tuyến đường mới, nhiều khả năng là vòng qua châu Phi. Theo cơ quan giám sát Cục Hàng hải Quốc tế (IMB), tuyến đường mới này có tiền sử về nạn cướp biển. Nhà Trắng hôm 26-3 cho biết Mỹ đang thảo luận với Ai Cập về khả năng "hỗ trợ tốt nhất" cho nỗ lực mở lại kênh đào.
Nhiều công ty vận tải biển bày tỏ lo ngại hàng hóa trị giá hàng tỉ USD bị mắc kẹt trong khi một số công ty liên hệ với Hải quân Mỹ về mối đe dọa cướp biển ngày càng gia tăng. Ông Bill Urban, người phát ngôn của Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ, đơn vị hoạt động trên khắp Trung Đông, khẳng định lực lượng Mỹ sẵn sàng hành động nếu được yêu cầu. Một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết quân đội Mỹ cũng có thể hỗ trợ và tư vấn cho các tàu bị ngăn đi vào kênh đào Suez lựa chọn hành trình quanh mũi phía Nam của châu Phi nhằm giúp các tàu này an toàn qua các khu vực có cướp biển.
Trong khi đó, Nga đã tăng gấp đôi nỗ lực để thúc đẩy tuyến đường ở Bắc cực sau khi tàu hàng Ever Given bị mắc kẹt ở kênh đào Suez khiến khoảng 200 tàu không thể qua lại. Ông Nikolai Korchunov, người phụ trách hợp tác quốc tế Bắc cực của Nga, cho rằng từ sự cố đang diễn ra, cần phải suy nghĩ về cách xử lý hiệu quả những rủi ro giao thông và phát triển các tuyến đường thay thế kênh đào Suez, trước hết nên tập trung vào tuyến đường biển phía Bắc.
Tuyến đường biển phương Bắc là một trong một số kênh vận chuyển ở Bắc cực và nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Nga. Nga đã đầu tư rất nhiều để phát triển tuyến đường này, qua đó cho phép các phương tiện vận chuyển rút ngắn hải trình đến các cảng châu Á 15 ngày so với việc đi qua kênh đào Suez. Tập đoàn năng lượng hạt nhân nhà nước Nga Rosatom lập luận tuyến đường mới rộng rãi dễ xoay xở và hạm đội tàu phá băng hạt nhân của Rosatom có thể dễ dàng giải cứu bất kỳ tàu nào mắc kẹt trong băng tuyết.
Bình luận (0)