Trước phản ứng của Liên Hiệp Quốc, ngày 20-5, Malaysia và Indonesia tuyên bố cho phép tàu thuyền của người di cư neo đậu ở bờ biển các nước này và đồng ý cung cấp cho họ chỗ ở tạm thời.
Thế nhưng, quyết định đó chỉ có thể cứu được sinh mạng của hàng ngàn người di cư Rohingya và Bangladesh đang đói lả trên những con tàu mong manh chật cứng, chứ chẳng có tác dụng gì trong việc giải quyết các vấn đề sâu rộng hơn đằng sau cuộc khủng hoảng này.
Khó ngăn chặn di cư
Thông báo trên được đưa ra sau cuộc họp ở Kuala Lumpur giữa Malaysia, Indonesia và Thái Lan - các quốc gia giáp biển Andaman, nơi tàu của người di cư đang trôi dạt. Cả Indonesia và Malaysia đều tuyên bố chỉ trợ giúp và cung cấp chỗ ở tạm thời. Dù vậy, sau nhiều tuần lễ lênh đênh trên các vùng biển Đông Nam Á vì không được phép lên bờ, đến nay, khoảng 7.000 người di cư Hồi giáo đã nhận được sự cứu tế.
Theo tạp chí Foreign Policy, vấn đề nghiêm trọng đang được đặt ra là làm thế nào cải thiện được các điều kiện sống kinh khủng ở Myanmar và Bangladesh để ngăn dòng người di cư liều mạng ra đi. Chính phủ Myanmar khẳng định đang có những nỗ lực nghiêm túc để ngăn chặn tình trạng di cư bất hợp pháp, trong đó có việc cử tàu tuần tra bờ biển nước này.
Thế nhưng, điều mà nước này chưa giải quyết được đó là giải pháp cho vấn đề người di cư quyết định lìa bỏ nơi sinh sống của mình. Trên thực tế, người dân tộc thiểu số Rohingya Hồi giáo vừa không có cơ hội làm ăn vừa bị tấn công, lại còn bị chính phủ Myanmar từ chối công nhận quyền công dân và các quyền khác.
Liên Hiệp Quốc ước tính khoảng 100.000 người Rohingya đã thực hiện những chuyến hải hành nguy hiểm trong mấy năm gần đây để chạy trốn sự ngược đãi. Thậm chí, có người còn nói rằng chiến dịch chống lại họ ở Myanmar chẳng khác gì cuộc diệt chủng. Các quốc gia láng giềng không muốn tiếp nhận người di cư Rohingya một phần bởi vì họ lo ngại sự nhiệt tình của mình sẽ làm trầm trọng thêm “trận lụt” người di cư.
Theo Lilianne Fan - chuyên gia về các vấn đề nhân đạo và xung đột ở châu Á, nhà nghiên cứu thuộc Viện Phát triển nước ngoài của Anh - giải pháp ở đây phải là một phương thức nhân đạo, bảo đảm an toàn cho tính mạng con người và tìm biện pháp tạm thời ở mỗi quốc gia bị ảnh hưởng (gồm Malaysia, Thái Lan và Indonesia).
Cũng cần một giải pháp phối hợp ở cấp độ khu vực và cần tính đến chuyện làm việc với chính phủ Myanmar và chính quyền bang Rakhine để cải thiện tình hình người Rohingya Hồi giáo ra đi. Theo báo The Guardian, về cơ bản, đó là vấn đề quốc tịch và quyền công dân của người Rohingya. Báo này nhận định đây sẽ là cuộc bàn thảo lâu dài và chắc chắn sẽ không dễ dàng. Mỗi quốc gia sẽ có phương thức khác nhau nhưng phải có chiến lược bao quát. Còn đối với người di cư kinh tế từ Bangladesh, cần phải có biện pháp riêng biệt.
ASEAN phải vào cuộc
Có ý kiến nhận định cuộc khủng hoảng người di cư Đông Nam Á không còn là của riêng Myanmar nữa mà đã trở thành vấn đề của khu vực. Chủ tịch Liên minh Nghị sĩ ASEAN về nhân quyền, ông Charles Santiago, nhấn mạnh vấn đề của khu vực phải được giải quyết ở cấp độ khu vực.
Trước mắt, tình trạng ngược đãi cộng đồng người Rohingya đã đến lúc phải chấm dứt và cần chiến lược dài hơi. ASEAN phải gây sức ép với Myanmar để nước này thay đổi chính sách đối với tính mạng của bộ tộc thiểu số Rohingya ở bang Rakhine.
Còn chiến lược ngắn hạn đối với Indonesia, Malaysia và Thái Lan là cứu sống những người đang “thừa sống thiếu chết” trên những con tàu lênh đênh ngoài biển khơi. Hơn nữa, theo ông Santiago, chính sách không can thiệp của ASEAN phải kết thúc. Các chính phủ khối này không thể giấu mình đằng sau một chính sách cũ kỹ trong khi một thảm họa nhân đạo đang diễn ra ngay trước mắt mọi người.
Ông Jeff Labovitz, Trưởng phái bộ Tổ chức Di dân quốc tế (IOM) tại Thái Lan, cho rằng giải pháp khả thi đầu tiên là tất cả quốc gia trong khu vực phải điều động tàu thuyền tham gia công cuộc tìm kiếm và cứu nạn, cũng như cho phép tàu của người di cư được cặp bờ.
“Các nước này cũng phải cùng làm việc với nhau để tăng cường công tác quan sát, phát hiện và định vị các tàu di cư, theo dõi chúng. Thái Lan, Malaysia và Indonesia cần chia sẻ bất kỳ thông tin nào có trong tay, kể cả thông tin về các mạng lưới buôn người. Các nước này có thể phối hợp thông tin với các tổ chức như IOM để bảo đảm có sự hỗ trợ trên đất liền” - ông Jeff Labovitz đề xuất.
Nếu cần những giải pháp lớn hơn tầm khu vực, có thể viện dẫn Quy trình Bali năm 2002 - diễn đàn quốc tế về nạn buôn người và các tội ác xuyên quốc gia liên quan. Điều quan trọng là, tất cả quốc gia trong khu vực cần cùng nhau nhìn nhận gốc rễ của vấn đề là gì.
Mơ hồ hồi kết
“Chúng tôi vẫn giữ nguyên quan điểm rằng Thái Lan là một chặng quá cảnh. Đất nước chúng tôi có nhiều vấn đề hơn các nước bạn” - Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha tuyên bố sau khi Malaysia và Indonesia đồng ý cứu trợ tạm thời người di cư. Trong khi đó, vẫn chưa rõ liệu chính phủ Thái Lan có tham dự cuộc họp ở Bangkok vào ngày 29-5 tới và liệu hội nghị có đưa ra giải pháp lâu dài cho vấn đề người di cư hay không.
Sau khi phát hiện một số ngôi mộ tập thể chôn người Rohingya là nạn nhân của bọn buôn người, thời gian gần đây, Thái Lan đã ra tay đàn áp tệ nạn buôn bán người di cư, ngăn chặn các tuyến đường bộ và đẩy tàu thuyền của họ quay trở lại biển cả. Trong khi đó, ngư dân Indonesia, hải quân Thổ Nhĩ Kỳ và chính phủ Philippines cũng như các tổ chức quốc tế như IOM đã tăng cường sự giúp đỡ người di cư. Những động thái cứu giúp đó vẫn chưa thể kết thúc được cuộc khủng hoảng người di cư Đông Nam Á.
Bình luận (0)