Đó là nhận định trong bài viết của tác giả Yantoultra Ngui đăng tải hôm 12-8 trên Reuters, cho thấy một bước ngoặt trong con đường phát triển quân sự của khu vực Đông Nam Á nhằm đối phó với những hành động gây căng thẳng liên tục từ Trung Quốc. Theo đó, những nước như Indonesia, Thái Lan và Malaysia dù chưa thể từ chối những lời mời từ những “gã khổng lồ” như Airbus Group NV hay Lockheed Martin Corp nhưng đang ngày càng khuyến khích những công ty quốc phòng trong nước tự sản xuất được "phần cứng". Với ngân sách quốc phòng khu vực tăng tới 40 tỉ USD vào năm 2016, cao hơn 10% so với năm ngoái, một số nước thậm chí đang hướng đến xuất khẩu vũ khí.
Cải thiện năng lực quốc phòng để chống lại sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Ảnh: BLOOMBERG
Công nghiệp quốc phòng nội địa chính là mục tiêu quân sự và kinh tế lâu dài ở những mức độ khác nhau đối với 10 thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vốn đang tập trung hiện đại hóa từng phần các thiết bị quân sự già nua của mình nhằm duy trì cân bằng quân sự trong khu vực. Mục tiêu này trở nên cấp bách hơn do những động thái ngang ngược của Trung Quốc trong những tháng gần đây trên biển Đông, giới phân tích an ninh nhận định.
Mỹ-Úc phản đối thay đổi hiện trạng biển Đông
Tuyên bố chung từ Hội nghị tham vấn cấp Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Mỹ-Úc (AUSMIN) tại Sydney hôm 12-8 nêu rõ Mỹ và Úc phản đối các hành động đơn phương thay đổi hiện trạng trên biển Đông và Hoa Đông bằng cưỡng ép hay đe dọa hoặc sử dụng vũ lực.
Tuyên bố cũng kêu gọi các bên liên quan kiềm chế những hành động có thể làm gia tăng căng thẳng, đồng thời phải xác định rõ và theo đuổi các tuyên bố chủ quyền lãnh hải của mình theo luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.
Tuy nhiên, các thành viên của ASEAN không còn trực tiếp nhắc tới Bắc Kinh như một nguyên nhân tăng cường năng lực quân sự. Tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 47 (AMM47) hồi cuối tuần qua ở Myanmar, các ngoại trưởng ASEAN một lần nữa kêu gọi các thành viên “tự kiềm chế” khi đối mặt với những căng thẳng nổi lên trong khu vực, nhưng không hề đề cập trực tiếp tới Trung Quốc.
Nhà phân tích Công nghiệp Quốc phòng châu Á Thái Bình Dương Jon Grevatt thuộc viện IHS Jane's cho rằng: “Bảo vệ chủ quyền nay là động cơ tiên quyết của tất cả các chính phủ trong khu vực. Rõ ràng các hoạt động của Trung Quốc đã làm gia tăng những vấn đề về bảo vệ lãnh thổ”.
Trung Quốc, với chi tiêu quân sự năm ngoái lên tới 145 tỉ USD theo ước tính của Mỹ, đã ngang ngược tuyên bố chủ quyền trên hầu hết biển Đông. Những hành động gây hấn ngày càng táo bạo của nước này trên biển Đông đã gióng lên hồi chuông báo động đối với khu vực, đặc biệt phải kể tới việc Bắc Kinh hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép tại vùng biển Việt Nam khiến cả thế giới bất bình.
Theo dữ liệu từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), chi tiêu quốc phòng của Đông Nam Á đã tăng 5% lên 35,9 tỉ USD năm 2013 và con số này dự kiến sẽ tăng tới 40 tỉ USD vào năm 2016. Hiện chi tiêu quốc phòng trong khu vực đã tăng gấp đôi so với năm 1992.
Bình luận (0)