Ngân hàng trung ương Liên bang Nga (CBRF) đã nâng lãi suất cơ bản từ 10,5% lên 17%/năm kể từ ngày 16-12 trong nỗ lực ngăn chặn đà sụt giảm của giá trị đồng rúp. Thống đốc CBRF Elvira Nabiullina cho biết quyết định này sẽ hạn chế các tay đầu cơ tích trữ trên thị trường tiền tệ.
Biện pháp bắt buộc
Các nhà kinh doanh tài chính công nhận động thái tăng lãi suất như trên làm thay đổi luật chơi trên thị trường tiền tệ nhưng cho rằng không nên duy trì lâu dài biện pháp này.
Ông Alexei Kudrin, Chủ nhiệm Ủy ban Sáng kiến Công dân, nhận xét quyết định này của CBRF trong điều kiện hiện nay là hành động bắt buộc nhưng đúng đắn. Cựu bộ trưởng Bộ Tài chính Nga viết trên trang mạng xã hội Twitter: “Tiếp đó, chính phủ Nga phải có biện pháp củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư đối với nền kinh tế Nga”.
Ngày 15-12 được xem là “thứ hai đen tối” đối với đồng rúp Nga
khi loại tiền tệ này giảm giá mạnh nhất kể từ năm 1998. Ảnh: AP
Tuy nhiên, ông Boris Titov, đặc mệnh toàn quyền về quyền của các doanh nhân, cho rằng việc tăng lãi suất để cứu đồng rúp sẽ gây thiệt hại cho sự phát triển kinh tế. Còn thanh tra tài chính Nga Pavel Medvedev gọi động thái trên của CBRF là biểu hiện sự dũng cảm. Theo báo Vzglyad, Điện Kremlin từ chối bình luận về quyết định này.
Một ngày trước, CBRF đã công bố bản báo cáo về chính sách tiền tệ - tài chính, trong đó dự báo tình hình phát triển kinh tế Nga, đồng thời đặt nhiệm vụ duy trì lạm phát ở mức 4% vào năm 2017. Theo đánh giá của CBRF, tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Nga có thể giảm 4,5%-4,8% vào năm 2015 nếu giá dầu nằm ở mức 60 USD/thùng nhưng sang năm 2016, GDP sẽ chỉ sụt giảm 1%.
Ngoài ra, ngân hàng này tin tưởng chính sách hiện nay về ngân sách làm giảm nhẹ tác động tiêu cực từ tình trạng giá dầu giảm mạnh. CBRF khẳng định kinh tế sa sút chỉ là tạm thời và có thể phục hồi mạnh mẽ vào năm 2017 bất chấp giá dầu vẫn duy trì ở mức căng thẳng như trong vòng 3 năm gần đây.
Mỹ, Đức do dự
Phát ngôn viên Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, hôm 15-12 quả quyết Nga có thể vượt qua khó khăn do tác động của lệnh trừng phạt kinh tế mà Mỹ và phương Tây áp đặt liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine, thậm chí kinh tế Nga sẽ thoát khỏi sự phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ.
Trong khi đó, theo kênh Fox News, Tổng thống Mỹ Barack Obama vẫn chưa quyết định ký đạo luật cho phép áp đặt thêm lệnh trừng phạt mới đối với Nga mặc dù chính quyền nước này vẫn quan ngại sâu sắc hành động của Nga ở Ukraine. Một quan chức Nhà Trắng cho biết Mỹ phải duy trì mặt trận thống nhất với các đồng minh và tìm cách giảm thiểu ảnh hưởng của lệnh trừng phạt bổ sung đối với doanh nghiệp Mỹ cũng như thị trường dầu mỏ.
Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 15-12 cũng tuyên bố bà không mong Liên minh châu Âu (EU) đưa ra các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga tại Hội nghị Thượng đỉnh EU trong ngày 18 và 19-12. Cuối tuần trước, theo hãng tin Tass, bà Merkel nhấn mạnh EU muốn xây dựng mối quan hệ đối tác tốt đẹp với Nga, đồng thời cho rằng việc EU liên kết với Ukraine, Georgia và Moldavia không nhằm chống lại Moscow.
Bình luận (0)